Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (bão Noru), từ chiều ngày 25-9 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân, tự vệ tích cực chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, doanh trại; chuẩn bị đầy đủ quân trang, quân y, vật chất, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, chất đốt, sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu do mưa lũ gây ra.

Trước khi bão đổ bộ, bộ đội, dân quân và các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tỏa về các hướng, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu, sơ tán tàu thuyền, tài sản, vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn … 

Là một trong những âu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung, tính đến chiều ngày 26-9, âu thuyền Thọ Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã tiếp nhận gần 1.200 tàu thuyền công suất lớn, với hơn 8.100 ngư dân trong vùng đến neo đậu, sơ tán, phòng tránh bão.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố Hội An giúp dân chằng chống nhà cửa chống bão số 4. 

Để bảo đảm công tác an toàn, phòng chống chữa cháy, hiện nay, chính quyền thành phố đã tiến hành di dời toàn bộ các tàu chở xăng dầu ra khỏi khu vực âu thuyền. Vừa tham gia tổ công tác liên ngành, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bão, vừa tích cực tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, an toàn khu vực, sáng 26-9, dưới trời mưa tầm tã, cán bộ, chiến sĩ dân quân các phường Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông còn căng mình chốt trực tại các cửa biển, bến tàu, sẵn sàng hỗ trợ bà con ngư dân đưa tàu thuyền về nơi tránh trú.

Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 5, các đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, cơ động, huấn luyện, diễn tập… ngoài doanh trại đã tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể khu vực doanh trại, lán trại; tổ chức sơ tán lực lượng, phương tiện, trang bị ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét; tạm dừng thi công công trình chiến đấu, xây dựng cơ bản khi bão vào; tổ chức chèn chống, chống sạt lở để bảo đảm an toàn...

Nắm chắc tình hình khi xảy ra mưa lớn; kiểm tra, rà soát các hồ đập, hầm mỏ khai thác khoáng sản, khu vực ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở đất; chủ động thực hiện phương án di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; thực hiện tốt các quy định công tác phòng, chống dịch khi sơ tán nhân dân.

Lực lượng vũ trang thành phố Hội An giúp bà Nguyễn Thị Minh (phường Cửa Đại) chằng chống mái nhà để chống bão. 

 

Lực lượng vũ trang thành phố Hội An giúp bà Nguyễn Thị Minh (phường Cửa Đại) chằng chống mái nhà để chống bão. 

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, sáng nay, toàn bộ 135 tàu, thuyền đánh cá của bà con ngư dân phường Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được sơ tán, đưa về neo đậu an toàn. Để giảm thiểu thiệt hại, trước khi bão Noru đổ bộ, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản trên các lồng bè dọc sông Đế Võng (phường Cửa Đại) đã chủ động thu hoạch, bán sớm hàng chục tấn cá diêu hồng, cá dìa, cá dò.

Đồng chí Trương Minh Sỹ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Cửa Đại cho biết: “Trong sáng và trưa mai (27-9), lực lượng chức năng sẽ tổ chức hàng chục chuyến xe buýt, xe ca, sơ tán toàn bộ 345 hộ dân, với 1.530 nhân khẩu đang sinh sống trong các khu vực xung yếu, trũng thấp, đến nơi tránh trú an toàn”.

Tuổi cao sức yếu, từ ngày chồng mất, bà Nguyễn Thị Minh, 55 tuổi, trú tại Tổ 2, khối Phước Trạch (phường Cửa Đại) sống lủi thủi một mình trong căn nhà tình nghĩa nhỏ, xây dựng đã lâu. Được bộ đội, dân quân hỗ trợ ngày công sửa chữa, chằng chống cửa nhà, gia cố chắc chắn toàn bộ mái tôn, bà Minh xúc động: “Người Việt Nam ta có câu “Vì mồ vì mả, không ai vì cả bát cơm”. Trước khi đi sơ tán, thấy nơi hương khói, thờ tự của gia đình được gia cố cẩn thận; ti vi, tủ lạnh, chăn mà, quần áo được bao bọc, kê đặt lên cao, tôi rất yên lòng. Mấy chục năm sinh sống nơi cuối sông, cửa biển, mỗi khi bão lũ tràn về, gia đình tôi lại được bộ đội, dân quân tận tình giúp đỡ. Các anh thực sự là chỗ dựa của bà con chúng tôi!"

Thực hiện nhiệm vụ trên xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An), 2 ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) cũng thường xuyên có mặt tại bến cảng, cầu tàu, các khu vực xung yếu hỗ trợ bà con ngư dân và nhân dân triển khai các phương án phòng chống bão.

Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành khơi thông cống rãnh, dòng chảy, cắt tỉa cây xanh, giúp nhân dân thu hoạch hoa màu, hành tỏi, gia cố nhà cửa, công trình. Theo đề nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngày 26-9, đơn vị tiếp tục tham gia giúp các trường học, cơ sở giáo dục trên huyện đảo sơ tán tài sản, đồ dùng dạy học, chằng chống mái tôn, mái ngói. Đơn vị cũng chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn ở, sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc từ 50 - 70 người dân đến sơ tán, tránh trú trong doanh trại các trung đội, đại đội khi cần thiết.

Nam Trà My là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Năm 2020, nơi đây từng chịu hậu quả rất nặng nề do mưa lũ gây ra. Để ứng phó với cơn bão số 4, việc sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét được cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng địa phương ráo riết triển khai thực hiện.

Từ kinh nghiệm thực tế trong việc ứng phó với thiên tai, mưa lũ, hiện nay, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân đã xung phong lên cắm chốt tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ bị cô lập, chia cắt để sẵn sàng xử trí khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ngư dân Đà Nẵng chủ động thuê xe cẩu đưa tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh bão an toàn. 

Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết: “Bộ tư lệnh quân khu đã có công văn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, trực phòng chống thiên tai ở tất cả các cấp, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng chống thiên tai, mưa lũ. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, khu kỹ thuật, phương tiện, công trình chiến đấu; kiểm tra, bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật phương tiện, trang bị, vật chất làm nhiệm vụ; dự trữ đầy đủ vật chất, quân y, lương thực, thực phẩm, chất đốt. Khi có tình huống, chủ động tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời và thực hiện tốt “4 tại chỗ”. 

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, tin tưởng rằng, quân và dân Quân khu 5 sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách mà cơn bão số 4 có thể gây ra trong vài ngày tới.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG