Cơ quan quân sự phát huy vai trò tham mưu 

Báo cáo của UBND huyện Mù Cang Chải về tiến độ khắc phục hậu quả trận lũ quét xảy ra đêm 5-8 cho thấy, phần lớn công việc Ban Thường vụ Huyện ủy phân công cho từng phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng của huyện (gắn trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách) hiện cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, tính đến ngày 21-8, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện làm 3 người thiệt mạng (2 người do bị đá lăn, 1 người bị nước cuốn trôi); thiệt hại 250 ngôi nhà; nhiều công trình công cộng, đường điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế bị hư hỏng... ước tính thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Đứng trước khối lượng công việc khổng lồ, phải xử lý trong thời gian ngắn nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không bị động mà toàn bộ phương án, kế hoạch khắc phục hậu quả thiên tai đã được “kích hoạt” kịp thời, đồng bộ.

leftcenterrightdel
Bộ đội Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tích cực hỗ trợ đồng bào vùng lũ san nền, dựng nhà mới sau lũ. 

Theo đó, ngay trong đêm 5-8 và những ngày sau đó, Ban CHQS huyện Mù Cang Chải đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Các tổ công tác của huyện khẩn trương phối hợp với các xã rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại trên địa bàn phụ trách, kịp thời triển khai phương án khắc phục; linh hoạt điều động, bố trí máy móc, lực lượng dân quân cơ động, tình nguyện viên dọn dẹp đất đá, khai thông các tuyến đường bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất để vận chuyển nhu yếu phẩm đến các hộ bị cô lập, cơ động giúp dân khắc phục hậu quả.

Ban CHQS huyện Mù Cang Chải cũng kịp thời tham mưu cho UBND huyện thành lập Sở chỉ huy tiền phương khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hồ Bốn, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ đạo thực hiện toàn bộ nhiệm vụ liên quan đến công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; tiến hành rà soát, tìm vị trí phù hợp, an toàn, xây dựng phương án bố trí tái định cư tập trung hoặc xen kẹp cho các hộ bị thiệt hại nặng; di dời khẩn cấp các hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở...

Thống kê cụ thể từng hộ, từng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại để xây dựng phương án khôi phục sản xuất. Chỗ nào hoa màu bị thiệt hại nhẹ thì nhanh chóng ứng cứu, chăm sóc để thu hoạch; khu vực bị thiệt hại nặng không thể khôi phục được thì vệ sinh đồng ruộng, trồng cây thay thế. Những hộ bị hư hỏng nhiều ruộng không thể khôi phục, huyện chỉ đạo tìm quỹ đất để hỗ trợ khai hoang hoặc vận động anh em, dòng họ nhượng lại ruộng, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong 6 tháng để giúp các hộ bị thiệt hại có thể tái sản xuất, ổn định cuộc sống...

Chỉ đạo vào cuộc quyết liệt

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chia sẻ: Khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) ở hầu hết tỉnh miền núi phía Bắc là địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dễ bị chia cắt, cô lập khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất; trong khi đó, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số thường sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, trên núi cao, ven suối, dưới chân các taluy dương... nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Để phòng ngừa từ sớm thiệt hại do thiên tai, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều chủ động lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, đánh giá nguy cơ xảy ra thiên tai, có giải pháp phòng tránh; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Các hộ phải di dời sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ở, đất sản xuất thuận lợi hơn vị trí cũ.

Thực tế cho thấy, ở bất kỳ địa phương nào, trước và khi xảy ra thiên tai, sự quan tâm, chủ động, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương là yếu tố quan trọng nhất để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, hạn chế thiệt hại. Điều này được thể hiện rõ trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở huyện Mù Cang Chải.

Theo đó, những ngày đầu tháng 8 vừa qua, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định điều chỉnh lịch công tác của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể để sẵn sàng ứng phó; chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh chủ động chuẩn bị, tích cực tham gia khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra. Do đó, ngay khi xảy ra trận lũ quét tại huyện Mù Cang Chải, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đã kịp thời phân công, triển khai công việc và trực tiếp bám nắm địa bàn để chỉ đạo ứng phó, khắc phục.

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh nhiều lần trực tiếp kiểm tra những địa bàn trọng điểm, bị thiệt hại nặng, có nhiều khó khăn nhất để chỉ đạo huy động tối đa các lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến ngày 21-8, có 33 hộ bị mất nhà đã dựng xong nhà mới; 55 hộ đã san xong nền để dựng nhà và 80 hộ có nhà bị thiệt hại nặng đã khắc phục xong. Tiếp tục kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải trong ngày 19 và 20-8, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo khôi phục lại toàn bộ công trình hạ tầng như khuôn viên trụ sở xã, các công trình giao thông liên thôn, bản bị sạt lở. Đặc biệt, việc bố trí tái định cư và dựng lại nhà cửa cho người dân vùng lũ phải xong trước ngày 25-9. 

Chủ động đi trước một bước

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh Tây Bắc đều gặp không ít khó khăn do diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều với tần suất lớn. Có những vị trí hàng trăm năm chưa từng xuất hiện lũ ống, lũ quét thì nay xảy ra. Nhiều trận lũ ống, lũ quét đã làm thay đổi địa bàn, trong điều kiện địa hình chia cắt mạnh nên rất dễ bị cô lập trên diện rộng. Do trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu nên việc tiếp cận cũng như giải quyết, xử lý các tình huống khi xảy ra mưa lũ, sạt lở gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Sư đoàn 316 (Quân khu 2) hỗ trợ di chuyển nhà dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, quỹ đất ở và tái định cư bảo đảm ổn định, an toàn trước tác động của thiên tai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; nếu không tính toán chi tiết, kỹ lưỡng các giải pháp về sản xuất nông nghiệp thì khi xảy ra thiên tai sẽ mất rất nhiều thời gian để khắc phục và ổn định cuộc sống người dân.

Trước tình hình đó, tỉnh Yên Bái đã có tổng kết, đánh giá và đề xuất với Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ các tỉnh trung du, miền núi, trong đó có tỉnh Yên Bái, nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Trung ương cần quan tâm hỗ trợ các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung, giải quyết tái định cư cho người dân gắn với khu vực có đất sản xuất. Đồng thời chú trọng đầu tư các trang thiết bị cảnh báo, dự báo thiên tai; thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thiết bị hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai...

Kinh nghiệm của tỉnh Yên Bái là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền phải luôn chủ động đi trước một bước; phải làm tốt công tác phòng tránh nhằm giảm thiệt hại, đặc biệt là cơ quan chức năng phải thực hiện tốt công tác dự báo sớm đến cấp cơ sở, đến từng người dân để chủ động phòng ngừa.

Ví như trong đợt mưa lũ tại Mù Cang Chải vừa qua, do làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở đã giúp giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là giảm thiệt hại về người. Đối với địa bàn vùng cao dễ bị chia cắt thì các cấp chính quyền càng phải chủ động chuẩn bị tốt công tác PCTT theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là về lực lượng, trang thiết bị và hậu cần tại chỗ. Các địa phương có địa hình chia cắt, dễ bị cô lập khi có mưa lũ cần chú trọng củng cố hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối các tuyến đường liên thôn, bản, bảo đảm luôn có đường cơ động để tránh bị cô lập, tạo thuận lợi cho công tác cứu hộ-cứu nạn, an sinh xã hội, giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.