QĐND - Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng và đánh phá giao thông, Bộ tư lệnh Miền đã mở chiến dịch tiến công địch tại khu vực Bình Long và Phước Long. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 10-5-1965 và kết thúc ngày 22-7-1965.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 3 trung đoàn bộ binh, các đơn vị đặc công, pháo binh, công binh của Bộ tư lệnh Miền và một số đơn vị thuộc Quân khu 6 và lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh Bình Long, Phước Long, Lâm Đồng, Long Khánh, Biên Hòa, Bà Rịa.

Phương châm chiến dịch được xác định là đánh chắc thắng, tiêu diệt gọn; bảo đảm bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết nhanh; hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, kết hợp với phục kích, tập kích chống càn, kỳ tập; chắc thắng thì đánh cường tập. Căn cứ nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, chiến dịch chia làm 3  đợt. Đợt 1 từ ngày 10 đến 31-5-1965, ta đánh điểm để kéo viện. Hướng tiến công chủ yếu đánh vào thị xã Phước Long; hướng phối hợp, ta đánh địch trên đường số 2, 13, 14. Đợt 2 từ ngày 9-6 đến 20-6-1965, ta lập thế để đánh trận then chốt. Rút kinh nghiệm đợt 1, đêm 9-6, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Trung đoàn 272 cùng Tiểu đoàn bộ binh 2 (Trung đoàn 273) được pháo binh chi viện, tiến công tiêu diệt Chi khu Đồng Xoài, sau đó khống chế buộc địch phải đổ quân xuống khu vực ta đã chuẩn bị để tập trung lực lượng tiêu diệt lớn quân địch. Đợt 3 từ ngày 24-6-1965, ta tiếp tục tiến công quân địch ở Bù Đốp, tập kích cụm quân địch ở Bầu Bàng và đánh địch trên đường 13, 15. Đến ngày 22-7-1965, ta kết thúc chiến dịch.

Du kích miền Đông Nam Bộ vận chuyển vũ khí phục vụ Chiến dịch Đồng Xoài. Ảnh tư liệu.

Trận tiến công Chi khu Đồng Xoài là trận đánh then chốt tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thắng lợi, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ về đánh địch trong công sự vững chắc có nhiều binh chủng hiệp đồng chiến đấu.

Thị trấn Đồng Xoài nằm ở ngã tư đường liên tỉnh lộ 13 với Quốc lộ 1A và đường liên tỉnh lộ 14. Địch bố trí Chi khu Đồng Xoài để khống chế các trục giao thông huyết mạch nối liền miền Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên và Cam-pu-chia. Quân đội Sài Gòn lợi dụng 2 quả đồi ở phía tây bắc thị trấn để xây dựng căn cứ quân sự. Lực lượng địch ở đây có 5 đại đội biệt kích, bảo an và dân vệ, cùng các trung đội pháo binh, cảnh sát và 2 chi đội xe thiết giáp bánh lốp. Tại Đồng Xoài còn có 42 cố vấn quân sự Mỹ, 300 công an dân vụ và lực lượng tề điệp. Căn cứ Đồng Xoài được xây dựng công sự kiên cố, có hầm ngầm, vật chướng ngại phức tạp, binh hỏa lực mạnh và áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ, đề phòng ta tập kích.

22 giờ 15 phút ngày 9-6-1965, trong khi các đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa và đang tổ chức đào công sự, thì hỏa lực địch trong chi khu bất ngờ bắn dữ dội vào vị trí của các Tiểu đoàn 4 và 5. Trận đánh diễn ra sớm gần 2 giờ so với kế hoạch, do các Tiểu đoàn 8 và 4 lần lượt nổ súng khi chưa có lệnh, dẫn đến việc các hướng nổ súng không đồng loạt, bị hỏa lực mạnh của địch chế áp. Tiếp đó, khi các mũi mới mở được 2-3 lớp hàng rào, địch cho xe bọc thép ra ngăn chặn và tập trung hỏa lực khống chế gây cho ta nhiều thương vong. Do bị địch chống trả quyết liệt, nên đến gần 24 giờ ngày 9-6, ta vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ mở cửa. Trước tình hình đó, các Tiểu đoàn 4 và 5 được lệnh điều chỉnh lại lực lượng, tổ chức đột phá lần 2 vào 1 giờ ngày 10-6-1965, đồng thời Tiểu đoàn 6 được điều động vào tăng cường chiến đấu. Trên mũi chủ yếu, Tiểu đoàn 5 đưa Đại đội 7 thay Đại đội 5 đột phá vào tung thâm và đánh vào các khu vực trận địa cối, nhà kho, lô cốt, hầm ngầm, khu bảo an, nhà văn phòng quận, khu gia binh bảo an. Trên hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 4 phát triển thuận lợi, đánh chiếm khu biệt động quân, làm chủ ấp chiến lược, nhà thờ...

Mặc dù diễn biến chiến dịch chưa đúng như kế hoạch, công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn, song do xác định đúng hướng và mục tiêu tiến công phù hợp với khả năng chiến đấu của ta, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng lực lượng thích hợp, phát huy được khả năng, sở trường và cách đánh của các đơn vị; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nên chiến dịch đã đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt được nhiều sinh lực và vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng gần 6 vạn dân. Thắng lợi của Chiến dịch Đồng Xoài đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Nam về trình độ tổ chức chuẩn bị và tác chiến tập trung tiêu diệt chiến đoàn của quân đội Sài Gòn với sự giúp đỡ của cố vấn quân sự Mỹ.

Đại tá, TS  NGUYỄN THÀNH HỮU