Những ngày hè, khuôn viên Tiểu đoàn 8 nói riêng, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói chung trầm lắng hơn khi học viên bước vào kỳ nghỉ hè. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi mà Thượng tá Bùi Thanh Lâm, Chính trị viên Tiểu đoàn 8 có đủ sự tĩnh lặng để đánh giá lại công tác quản lý, rèn luyện học viên, nhất là học viên khóa 72 vừa thi xong các môn tốt nghiệp. 4 năm gắn bó, các anh phối hợp chặt chẽ với cơ quan, khoa giáo viên, các thầy trực tiếp giảng dạy để nắm chắc chất lượng, kết quả học, thi, kiểm tra của học viên.

Qua từng lần thi, kiểm tra của học viên, đội ngũ cán bộ đều có kế hoạch rút kinh nghiệm, bồi dưỡng để học viên ngày càng hoàn thiện phương pháp, cách thức trả bài thi, kiểm tra, nâng cao chất lượng học tập, nhất là nội dung vấn đáp. “Nâng giỏi, đẩy khá, xóa trung bình” dần đạt những kết quả, bước tiến vững chắc. Công tác rèn luyện của học viên cũng được quản lý chặt chẽ theo đúng quy chế; học viên có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu luôn được quan tâm...

Thượng tá Bùi Thanh Lâm cho biết: “Khi có kế hoạch xét quân hàm sĩ quan, điều động học viên tốt nghiệp của nhà trường và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chúng tôi tổ chức quán triệt đầy đủ các văn bản hướng dẫn đến mọi cán bộ, học viên; đồng thời, hướng dẫn học viên viết đơn đăng ký nguyện vọng về các đơn vị, sau đó tổng hợp, báo cáo cơ quan theo quy định. Qua nắm bắt tư tưởng, 100% học viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ chức phân công. Tôi mong các em “chân cứng đá mềm”, phát huy tốt những kiến thức học được vào thực tế nhiệm vụ, ngày càng bản lĩnh và trưởng thành”.

Một buổi học lý luận tại giảng đường của học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Thượng sĩ Lê Anh Tú, học viên thuộc Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 8 (Trường Sĩ quan Lục quân 2) có bố mẹ là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, lại sống trong khu gia đình quân nhân nên từ nhỏ, Tú đã luôn coi quân nhân là hình mẫu để học tập và phấn đấu trưởng thành. Năm 2021, Tú thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2. Nhìn lại 4 năm học tập, rèn luyện đầy khó khăn, vất vả, chàng học viên này vẫn nhớ một kỷ niệm ở năm học thứ nhất khi huấn luyện môn xà đơn. Vì thân hình hơi mập nên sau một tuần rèn luyện, Tú vẫn không thể thực hiện đúng động tác và sinh ra chán nản, muốn bỏ cuộc.

Được sự quan tâm động viên của giảng viên, cán bộ quản lý và đồng đội, Tú dần vượt qua môn học này và vừa rồi, khi kiểm tra thể lực năm cuối đã kéo được hơn 30 lần xà đơn. Chia sẻ về nguyện vọng công tác, Thượng sĩ Lê Anh Tú thẳng thắn: “Tôi cũng mong muốn được công tác ở nơi mình sinh sống để hợp lý hóa gia đình, yên tâm cống hiến cho đơn vị và Quân đội. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội, tôi và các đồng đội đều sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Mới ra trường nên kinh nghiệm chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội của chúng tôi chắc chắn có mặt còn hạn chế, vì vậy, chúng tôi rất mong chỉ huy các cấp và các anh lớp trước quan tâm, chỉ bảo, giúp đỡ để chúng tôi phát huy tốt kiến thức đã được học”.

Còn Thượng sĩ Lê Thanh Bình, học viên thuộc Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 8, tâm sự: “4 năm học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi thật sự biết ơn những quan tâm, giúp đỡ của chỉ huy các cấp và hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của giảng viên. Tình cảm đó và việc cảm thấy mình phù hợp với môi trường giáo dục, đam mê với nghiên cứu khoa học nên tôi đã đăng ký nguyện vọng được công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Tuy nhiên, nếu tất cả nguyện vọng đã đăng ký đều không được thì tôi vẫn vui vẻ chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức và luôn nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ”.

Nhớ lại một thời học viên sôi nổi, trong bài viết “Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, một học viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Trường Sĩ quan Chính trị) khóa 1994-1999, tâm sự: “Đã là quân nhân, chúng tôi luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Đúng như một nhà thơ đã viết: “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời”. Gió, ngọn gió của tuổi trẻ, của khát vọng cống hiến, của yêu cầu nhiệm vụ Tổ quốc đã cuốn chúng tôi đi không tính toán thiệt hơn. Có nhiều bạn bè của chúng tôi khi khoác ba lô về đơn vị mới phải bắt tay dựng xây doanh trại từ nhà tranh vách đất, nuôi lợn, câu cá, trồng rau như những người nông dân. Nhưng họ đã không ngần ngại, không tính toán thiệt hơn”.

Đây cũng là điều chúng tôi muốn tâm sự, chia sẻ với các học viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, nhận nhiệm vụ mới.

Phân công công tác căn cứ vào nhu cầu biên chế

Ngày 3-7-2025, Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên) về việc: “Hiện nay, nhiều con em trong tỉnh đã học tại các trường Quân đội như Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân... hoặc đang công tác trong Quân đội, nhưng không được phân công về công tác tại quê hương. Đề nghị có quy định tạo điều kiện để quân nhân được công tác gần nhà nhằm ổn định cuộc sống và yên tâm phục vụ lâu dài”, như sau:

Việc điều động cán bộ, sắp xếp học viên tốt nghiệp tại các học viện, trường sĩ quan ra trường, bố trí phù hợp với địa bàn cư trú là nguyện vọng chính đáng của cán bộ, nhằm thực hiện chính sách hậu phương gia đình cán bộ, giúp cán bộ yên tâm công tác, đúng với chủ trương của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn hằng năm của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Quân đội có tính chất đặc thù quân sự, việc điều động cán bộ, sắp xếp, phân công học viên ra trường công tác phải căn cứ vào chuyên ngành đào tạo của cán bộ, nhu cầu biên chế, thực trạng số lượng cán bộ hiện có của từng đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm không được xếp chồng, xếp dư cán bộ; đối với học viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số của các quân khu thì điều động về quân khu. Học viên tốt nghiệp đào tạo cán bộ cấp phân đội ra trường (trong đó có Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân), Bộ Quốc phòng điều động về các đơn vị trực thuộc Bộ; các đơn vị sẽ bố trí, sắp xếp cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Qua rà soát, báo cáo thống kê của các cơ quan, đơn vị, nhà trường những năm gần đây, số lượng học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan hằng năm có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vượt quá nhu cầu biên chế của các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Do đó, theo quy định, cán bộ sẽ được điều động về các đơn vị còn thiếu thuộc địa bàn các tỉnh khác của Quân khu 1 hoặc đơn vị ngoài Quân khu.

Bài và ảnh: YẾN LONG - ĐỨC TUẤN

--------------

 Tâm tình - Kiến nghị

Sĩ quan trẻ hãy phấn đấu hết mình

Tôi là học viên sĩ quan pháo binh tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 từ năm 1995 đến 1999. Ngày sắp ra trường cách đây 26 năm, tôi cũng bâng khuâng, lo lắng không biết mình sẽ về đâu, năng lực có đáp ứng được công việc không? Nhưng bản thân tôi luôn hiểu rõ, đã là quân nhân thì phải chấp hành tuyệt đối sự phân công của tổ chức. Vì thế, ngay sau khi nhận nhiệm vụ về đơn vị, tôi bắt đầu làm quen với nền nếp, chế độ, chủ động học tập kinh nghiệm của chỉ huy cấp trên, thấy đơn vị bạn có cách làm gì hay, hiệu quả thì học và làm theo, ban đêm không có điện thì tranh thủ buổi trưa để viết giáo án, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chỉ huy Lữ đoàn 950, Quân khu 9 trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị. Ảnh: HOÀI THƯƠNG 

Từ cán bộ quân sự, tôi được cấp trên cử đi học chuyển loại cán bộ chính trị. Sau đó, tôi tiếp tục được tổ chức phân công công tác cả ở đơn vị địa phương và đơn vị chủ lực, thực hiện nhiệm vụ ở đất liền và ở đảo Phú Quốc đan xen nhau... và đến nay được tin tưởng giao giữ chức vụ Chính ủy Lữ đoàn 950. Tôi hiểu rằng, ai cũng mong muốn về gần nhà để có điều kiện vun vén, chăm sóc gia đình, nhưng “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”, cho nên dù ở đâu, trên cương vị nào, tôi cũng mong các sĩ quan trẻ dám nghĩ, dám làm và làm hết sức, hết mình, cứ phấn đấu cống hiến thì cây nào cũng có quả ngọt.

Đại tá LÊ ĐỨC HẢI, Chính ủy Lữ đoàn 950, Quân khu 9

-------------

Càng ở nơi gian khó càng sớm trưởng thành

Ông nội tôi từng trải qua quân ngũ trong những năm chiến tranh nên hiểu Quân đội là môi trường đào tạo con người tốt nhất. Được ông động viên, tôi quyết định thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 và trở thành học viên khóa 81 (2013-2017). Trước khi tốt nghiệp, tôi mong được về những đơn vị theo nguyện vọng để có thể phát huy sở trường, năng lực, còn việc gần hay xa nhà không quan trọng. Sau đó, tôi nhận quyết định phân công công tác tại Quân đoàn 2, nay là Quân đoàn 12, cách nhà 120km.

Cuộc “thử lửa” đầu tiên của tôi là cùng bộ đội bảo đảm thao trường phục vụ diễn tập DT17 (tháng 11-2017) với rất nhiều công việc mà trong trường không dạy, như làm một mục tiêu xe tăng như thế nào, ụ súng và hầm hào công sự ra sao... Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ đi trước, từ việc quản lý bộ đội đến huấn luyện và các nhiệm vụ khác nên tôi tự tin, yên tâm công tác. Trải qua 8 năm công tác tại đơn vị, tôi nhận thấy rằng, rèn luyện trong môi trường khó khăn, gian khổ sẽ giúp hình thành bản lĩnh, ý chí và sớm trưởng thành. Vì vậy, sĩ quan sắp tốt nghiệp hãy xác định rõ quyết tâm dù ở cương vị nào, đơn vị nào cũng phải luôn chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, bởi đã là quân nhân thì nghĩa vụ lớn nhất là nghĩa vụ với Tổ quốc.

Đại úy ĐỖ VĂN VƯỢNG, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12

-------------

Xác định tốt tư tưởng, tập trung hoàn thành nhiệm vụ

Từ nhỏ, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bởi với tôi, quân ngũ không chỉ là môi trường rèn luyện bản lĩnh, tính kỷ luật và ý chí mà còn là nơi hun đúc trí tuệ, nhân cách và trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Khi chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, tôi vừa háo hức vừa không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, tôi luôn xác định: Đã là quân nhân thì sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần! Vì vậy, khi được cấp trên điều động về Trung đoàn 335, Sư đoàn 324-đơn vị chủ lực của Quân khu 4, tôi rất vui mừng và xem đây là cơ hội để rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. May mắn là đơn vị đóng quân cách nhà không xa, khoảng 70km nên tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, mỗi tháng tôi có thể về thăm gia đình một lần.

Trung úy Nguyễn Đình Khánh huấn luyện Điều lệnh đội ngũ cho chiến sĩ. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Dù được trang bị nền tảng kiến thức quân sự từ nhà trường, nhưng khi bắt tay vào công việc thực tế, tôi nhận thấy mình vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là phương pháp huấn luyện, quản lý bộ đội. Đặc biệt, là cán bộ trẻ mới ra trường nhưng tôi được giao quản lý chiến sĩ năm thứ hai, trong đó có nhiều đồng chí lớn tuổi, khiến giai đoạn đầu, tôi còn thiếu tự tin trong xử lý tình huống, nhắc nhở và chấn chỉnh bộ đội. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, bồi dưỡng của cấp trên, tôi dần tiến bộ, hoàn thiện phong cách và nâng cao hiệu quả công tác... Từ những kinh nghiệm ban đầu, tôi nghĩ các học viên chuẩn bị ra trường cần xác định tốt tư tưởng, chấp hành nghiêm sự phân công công tác của tổ chức, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, kiến thức được trang bị là nền tảng vững chắc, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, linh hoạt thích nghi với đặc điểm từng đơn vị.

Trung úy NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.