Thói xu nịnh là căn nguyên “đẻ” ra rất nhiều thứ “bệnh”, phá hoại mối đoàn kết, gây ra cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm trong nội bộ. Mặt khác, người có thói quen hay xu nịnh người khác với động cơ không trong sáng đa phần là người cơ hội, ích kỷ, chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của tổ chức, tập thể, cộng đồng.

leftcenterrightdel

Kiểm tra đường ngắm cho chiến sĩ mới tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Ảnh: NGỌC LÂM 

Theo tôi, cần phải ngăn chặn, loại bỏ triệt để "căn bệnh" này. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên chân chính phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, biết giữ khí tiết của người đảng viên và tinh thần đấu tranh với cái xấu, các biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị; đóng góp cho đồng chí, đồng đội thẳng thắn, chân thành; đánh giá mọi sự việc và con người một cách khách quan, toàn diện, tránh hùa theo những luồng ý kiến chủ quan, phiến diện, cá nhân. Là sĩ quan trẻ, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tin tưởng vào sự ghi nhận, đánh giá thực chất, công bằng của cấp trên, không làm ít, nói nhiều...

Trung úy PHẠM VIỆT NHẬT

(Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1)

-------------------------

Nhìn nhận, đánh giá cán bộ thực chất

Hám thành tích, ảo tưởng quyền lực, thiếu tu dưỡng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao trong cấp ủy, chi bộ là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của thói xu nịnh. Thực trạng đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của nhiều người; gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm ý chí phấn đấu của cán bộ, đảng viên và những người thẳng thắn, dám đấu tranh với tiêu cực. Nguy hại hơn, hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng này trở thành vấn nạn len lỏi vào nhiều ngõ ngách đời sống xã hội, với nhiều biến tướng khác nhau.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Lữ đoàn 962 gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên đơn vị. Ảnh: HỮU TÀI 

Đoàn kết, trung thực, khách quan, phát huy dân chủ mọi mặt trong lãnh đạo, chỉ huy là biện pháp ngăn chặn biểu hiện xu nịnh ở đơn vị. Đồng thời, đòi hỏi vai trò tiên phong gương mẫu, tính tự giác, kỷ luật cao của cán bộ chủ trì các cấp. Người đứng đầu phải nêu gương, không mắc bệnh thành tích, tỉnh táo phân định rõ đúng, sai. Khi cấp trên có sự chuẩn mực, tất yếu cấp dưới sẽ dành sự tôn trọng mà không dám có hành động xu nịnh. Để hạn chế, ngăn chặn thói xu nịnh, chúng tôi luôn đánh giá, nhận xét cán bộ một cách thực chất, hiệu quả, công tâm, khách quan, đúng quy định, qua nhiều kênh, nhiều biện pháp. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, lấy phẩm chất đạo đức, uy tín và hiệu quả công việc làm thước đo chính. Vì thế, sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân sẽ được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị ghi nhận thông qua chất lượng thực hiện nhiệm vụ chứ không phải “thùng rỗng kêu to”, “mồm miệng đỡ chân tay”.

Thượng tá NGUYỄN VĂN ĐƯƠNG (Phó chính ủy Lữ đoàn 962, Quân khu 9)