Cuối tháng 3 vừa qua, tôi được chứng kiến cuộc gặp gỡ thật cảm động giữa những cựu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 20 (K20) thuộc Đoàn 198 đặc công. Họ là những người đã tham gia hàng trăm trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào những ngày này, ký ức chiến tranh như đang sống dậy trong lòng họ…
Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện có 7 ngôi mộ liệt sĩ từng là cán bộ, chiến sĩ K20 hy sinh trong trận đánh chiếm cầu Bông đêm 29, rạng ngày 30-4-1975. Hôm nay, trong ngày gặp mặt, những cựu chiến binh (CCB) K20 đến nghĩa trang thắp hương, viếng mộ đồng đội. Trong làn khói hương nghi ngút, nhiều CCB không cầm được nước mắt khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh chỉ vài tiếng đồng hồ trước giờ toàn thắng.
ại tá Lê Mạnh Hùng, khi đó là quyền Tiểu đoàn trưởng K20 kể lại: "Đêm ngày 28-4, K20 nhận lệnh phải cơ động lực lượng tiêu diệt địch đang chốt giữ cầu Bông mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Đây là cây cầu huyết mạch trên quốc lộ 22, do vậy để chặn đường tiến quân của Quân giải phóng, địch bố trí hệ thống phòng ngự nhiều tầng. Hai bên đầu cầu là hai lô cốt cùng xe tăng án ngữ. Dưới cầu, địch đã gài thuốc nổ để chuẩn bị phá cầu cản đường tiến của đại quân ta. Theo kế hoạch, 2 giờ sáng ngày 30-4, hai mũi tiến công của tiểu đoàn đồng loạt nổ súng. Địch chống trả rất điên cuồng. Cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mố cầu diễn ra quyết liệt. Hai xe tăng của địch đã bị bắn cháy. Trước sức tiến công mãnh liệt của tiểu đoàn, bọn địch chốt giữ cầu Bông hoảng loạn tháo chạy, không kịp phá cầu. K20 tổ chức phòng thủ đề phòng địch tái chiếm cầu. Trong trận đánh này, đơn vị hy sinh 7 đồng chí …".
Trong lúc cuộc chiến đấu giữ cầu Bông diễn ra thì Sư đoàn 320 của ta đánh vào căn cứ Đồng Dù. Hàng nghìn tên địch từ căn cứ Đồng Dù bỏ chạy nhưng cầu Bông đã bị quân ta chiếm giữ. Chúng lội sình, vượt kênh chạy trốn về Sài Gòn. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30-4, có một nhóm gồm 5 tên địch mặc quần đùi, trong đó một tên dáng người thấp, béo tròn lọt vào điểm chốt giữ phía Đông, cách cầu Bông gần 500m thì bị quân ta bắt sống. Quyền Tiểu đoàn trưởng Lê Mạnh Hùng đoán chắc tên này là chỉ huy, anh dí súng vào bụng hắn, quát:
- Mày ở đơn vị nào?
- Dạ chúng em ở Sư đoàn 25 dù ạ.
-Mày làm gì? Dạ em là Trung tá, Tham mưu trưởng Sư dù 25 ạ.
- Mày nói láo. Mày khai thật, không tao bắn.
Mặt tên địch tái xanh. Lúc này nó mới khai thật: “Dạ em là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn dù 25”. Nghe thấy vậy, quyền Tiểu đoàn trưởng Lê Mạnh Hùng ra lệnh:
- Mày phải kêu gọi lính của mày bỏ súng đầu hàng.
Lý Tòng Bá vội dùng loa tay kêu gọi binh lính địch ra hàng. Hàng nghìn tên địch ẩn nấp dưới những đám ruộng, bờ kênh, lóp ngóp đứng dậy buông súng, xin hàng…
Chuyện xảy ra cách đây 35 năm, nhưng những CCB K20 tham gia trận đánh cầu Bông ấy vẫn còn nhớ mãi. Anh Nguyễn Đình Tuất, khi ấy là chiến sĩ liên lạc cười vui: “Lúc bắt được nó, chúng tôi có biết nó là thằng nào đâu. Thấy thằng to béo thì nghĩ nó là chỉ huy. Ai ngờ lại đúng. Mà nó cũng ngoan cố lắm. Đến khi anh Hùng dí súng vào bụng, nó mới khai thật. Lúc ấy, tôi mới rõ mặt chuẩn tướng ngụy Lý Tòng Bá”.
Bây giờ, dù mỗi người một nơi, nhưng cứ vào dịp 30-4 hằng năm, những CCB K20 đặc công vẫn thường tổ chức gặp mặt để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ; để được sống lại với những năm tháng chiến đấu hào hùng.
Phạm Văn Mấy