Nhiều cơ sở CNQP bày tỏ tin tưởng, nếu chúng ta ban hành được luật về CNQP và ĐVCN thì ngành CNQP sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cũng như sẵn sàng tốt hơn khi có tình huống chiến tranh.

Thay “áo mới” như thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho rằng cần sớm ban hành luật về CNQP và ĐVCN để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện hành để ngành CNQP và công tác ĐVCN đạt được hiệu quả cao hơn.

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Về chính sách phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, Thiếu tướng Lương Thanh Chương đề nghị dự án luật quy định rõ chính sách thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ lưỡng dụng; điều kiện nội địa hóa sản xuất, chuyển giao công nghệ lưỡng dụng đối với các hợp đồng nhập khẩu sản phẩm quốc phòng. 

Đồng bộ hoá quy trình huy động công nghiệp dân sinh: Quy định cụ thể về phương thức đấu thầu, đặt hàng các cơ sở dân sinh đủ điều kiện tham gia hoạt động CNQP. Quy định về đánh giá mức độ đáp ứng cho CNQP với các dự án đầu tư của Nhà nước cho công nghiệp dân sinh. Cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được tham gia hoạt động CNQP trên cơ sở quy định rõ điều kiện, phạm vi lĩnh vực tham gia cũng như chính sách thu hút của Nhà nước. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở CNQP nòng cốt phát triển công nghệ lưỡng dụng, nâng cao năng lực sản xuất kinh tế phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các cơ sở CNQP mà chúng tôi có dịp đi khảo sát đều bày tỏ mong muốn, dự án luật cần tập trung, quy tụ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về CNQP cho cơ quan chuyên trách chủ trì thực hiện, khắc phục triệt để các khâu trung gian, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP theo hướng quy tụ, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, giảm số lượng đầu mối, tăng quy mô, bám sát nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và thế bố trí chiến lược; thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu để tiến hành chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phát triển, hình thành các tập đoàn CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, có trình độ khoa học-công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, đủ năng lực thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng

Về chính sách huy động nguồn lực cho CNQP và ĐVCN, Thiếu tướng Lương Thanh Chương đề nghị dự án luật cần quy định rõ cơ chế, chính sách nhà nước bảo đảm cho phát triển QPAN bằng việc bố trí ngân sách nhà nước; dự trữ vật tư kỹ thuật đặc biệt, chuyên dùng; bố trí quỹ đất bảo đảm phát triển CNQP và vành đai an toàn cho CNQP trong điều kiện đô thị hóa. Hình thành Quỹ phát triển CNQP là quỹ ngoài ngân sách được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp CNQP nòng cốt.

Đại tá Phạm Văn Riệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cao su 75 (Nhà máy Z175), Tổng cục CNQP bày tỏ mong muốn: “Cần tạo được cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển CNQP, nhất là nguồn vốn cho đầu tư nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển CNQP”.

Đại tá Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Nhà máy A45, Quân chủng Phòng không-Không quân cho rằng, môi trường CNQP trên thế giới đang phát triển rất nhanh. Khi chúng ta làm chủ được các loại vũ khí được đầu tư thì vũ khí đó đã lại lạc hậu do các nước thường xuyên cải tiến vũ khí, trang bị với tốc độ chóng mặt để đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt trong chiến tranh hiện đại. Nước ta cũng cần nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của trình độ CNQP thế giới. Muốn vậy cần xây dựng luật về CNQP và ĐVCN để có những chính sách phù hợp, tạo xa lộ tốt nhất cho CNQP phát triển, nhất là chính sách về nguồn lực, chính sách đặc thù để động viên, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao có thể yên tâm với đam mê, cống hiến cho CNQP.

“Để thực hiện khẩu hiệu người Việt Nam phải làm chủ được vũ khí của người Việt Nam thì con người phải được đầu tư bằng những cơ chế, chính sách rất cụ thể và phù hợp. Sự động viên không thể bằng lời, mà phải bằng cơ chế, chính sách để người có trình độ, có đam mê, có nhiệt huyết tiếp tục yên tâm cống hiến cho CNQP”, Đại tá Hoàng Trung Kiên nói.

Trong chính sách với chuyên gia, hầu hết các cơ sở CNQP, viện nghiên cứu đều bày tỏ mong muốn dự án luật có chính sách về công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, trọng dụng những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Hoàn thiện các chính sách thu hút, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước có kinh nghiệm, trình độ, năng lực chuyên môn cao tham gia một số hoạt động tại các cơ sở CNQP nòng cốt.

Hoàn thiện chính sách về động viên công nghiệp

Các cơ sở CNQP cũng bày tỏ mong muốn dự án luật cần mở rộng phạm vi đối tượng tham gia ĐVCN thuộc mọi thành phần kinh tế (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định) hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất công nghiệp.

Cùng với đó cần hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN theo hướng bổ sung hình thức đặt hàng, đấu thầu. Đặc biệt là cần bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp và người lao động khi tham gia ĐVCN tương ứng như chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng và lực lượng khác khi tham gia hoạt động quốc phòng, trong cùng điều kiện, tính chất hoạt động. Cụ thể, cần quy định doanh nghiệp được hạch toán phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, độc hại, thu hút và một số khoản chi đặc thù vào giá thành sản phẩm; trong thực hành ĐVCN, được Nhà nước cấp kinh phí bù đắp chi phí trong trường hợp giá sản phẩm được duyệt theo kế hoạch không đủ so với thực tế sản xuất, sửa chữa, kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành dây chuyền ĐVCN trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí...

Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173), Tổng cục CNQP kỳ vọng, khi Luật CNQP, An ninh và ĐVCN được ban hành sẽ thể chế hóa được toàn bộ quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng, Nhà nước ta về CNQP và ĐVCN.

Tất cả nhằm phục vụ cho nền sản xuất CNQP, an ninh; thu hút nguồn lực to lớn hơn cho sản xuất quốc phòng, để sản xuất quốc phòng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung cũng như cho sự lớn mạnh của tiềm lực quốc phòng đất nước, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Ngành đóng tàu quân sự trong nước đang tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi mong có cơ chế thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa ngành đóng tàu quân sự trong nước với ngành đóng tàu quân sự tiên tiến của các nước để tiến tới làm chủ một số lĩnh vực mà hiện nay chúng ta vẫn chưa làm chủ được”, Đại tá Trần Thế Sơn chia sẻ.

Cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đều đã rất vững chắc cho thấy đây là thời điểm chín muồi nhất để ban hành luật về CNQP và ĐVCN trên cơ sở tích hợp, nâng cấp từ Pháp lệnh CNQP và Pháp lệnh ĐVCN. Nếu không sớm xây dựng và ban hành luật về CNQP và ĐVCN, ngành CNQP nước nhà sẽ bị tụt hậu so với ngành CNQP đang phát triển như vũ bão trên thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng làm chủ công nghệ, làm chủ vũ khí hiện đại của Quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung của nước ta. 

GIA MINH - CHIẾN THẮNG