Doanh trại đơn vị T20, Đoàn B30 (Quân khu 9) có thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển Hà Tiên. Có người bảo như vậy là hợp với phong thủy, thế vững như bàn thạch, cây cối sẽ tự nhiên tươi tốt, xanh non. Nhưng thực tế không phải vậy, vùng đất này là nơi có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Đất đai cằn cỗi, nhiễm phèn, gió mặn, khô hạn quanh năm đã làm cho hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là tăng gia sản xuất (TGSX). Khó khăn trăm bề ấy tưởng chừng không thể khắc phục được. Vậy mà, sau 4 năm, đơn vị T20 trở thành một địa chỉ điển hình về tăng gia, xây dựng doanh trại chính quy, xanh-sạch-đẹp.

 

Vượt “khát”, vượt gió

Thượng tá Đoàn Văn Hùng, chỉ huy trưởng đơn vị T20 tiếp chúng tôi ngay dưới bóng cây râm mát trước sở chỉ huy đơn vị, chỉ tay về những hồ cá, sân bóng, vườn cây phía trước và “khoe”: “Anh nhìn xem, tất cả đều mới cả đấy. Mọi mặt đều thực sự chuyển biến mạnh từ khi đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; tham gia Hội thi xây dựng và quản lý doanh trại “Chính quy, xanh-sạch-đẹp”.

Để đạt được hiệu quả thiết thực, đơn vị đã lập Ban chỉ đạo Hội thi; Đảng ủy, chỉ huy các cấp đều ra nghị quyết chuyên đề; có kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng phân đội, nội dung công việc, nghiêm túc triển khai thực hiện với phương châm, khẩu hiệu: “Đơn vị là nhà”, “Tất cả vì hiệu quả của phong trào”. Cán bộ các cấp đã sâu sát, miệng nói tay làm, gương mẫu đi đầu; tổ chức tập huấn, trao đổi, giảng giải nhằm quán triệt các nội dung, yêu cầu về tăng gia sản xuất, xây dựng doanh trại chính quy, xanh-sạch-đẹp cho 100% cán bộ, chiến sĩ; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên… Nhờ đó đã giúp cán bộ, chiến sĩ chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lĩnh vực này.

Những ngày đầu phát động phong trào thi đua, còn có tư tưởng ngại khó, chưa tin vào thành công. Điều đó cũng có cơ sở, vì đơn vị đã qua bao năm đối chọi với đất chua phèn, gió mặn. Cây cỏ héo quắt, rũ rượi dưới nắng khô, thiếu nước. Nhưng qua 4 năm triển khai, phát động phong trào thi đua, mọi mặt đã thực sự thay đổi một cách bất ngờ, tạo cho đơn vị một diện mạo, vóc dáng, sức sống mới. Với hàng trăm nghìn ngày công cán bộ, chiến sĩ đã san lấp mặt bằng rộng 45.000m2; làm vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ 350.000m2; vườn tăng gia sản xuất tập trung rộng 13.600m2, có khả năng chịu đựng khô hạn, chua mặn. Điều có thể thấy rõ là các hạng mục, phân khu đều được quy hoạch hợp lý, đẹp đẽ.

Dẫn nước xuống hồ, “đưa” rau lên núi

Từ chuyển đổi nhận thức chung, xốc lên tinh thần vượt khó, đơn vị T20 đã tổ chức làm điểm rồi nhân rộng, giao trách nhiệm cụ thể đến mỗi cán bộ, chiến sĩ. Để khắc phục thiếu nước quanh năm, đơn vị đã huy động hàng chục nghìn ngày công tập trung đào 4 hồ nước lớn vừa trữ nước vừa nuôi cá, diện tích rộng 30.000m2, có kè đá bao quanh bờ. Nước từ các hồ, qua hệ thống lọc nước đáp ứng 100% nhu cầu sinh hoạt cho bộ đội. Cảnh thiếu nước tưới tiêu, chờ nước “dài cổ” sau những buổi huấn luyện, diễn tập đã không còn, cán bộ, chiến sĩ thật phấn khởi.

Chúng tôi ăn bữa cơm chiều ở đơn vị với các món từ “vườn nhà”: rau muống, đọt bí và cá trê kho... Thiếu tá Đặng Văn Cường, chủ nhiệm hậu cần đơn vị nói với tôi: “Từ 2 năm nay, nhờ tăng gia sản xuất, đơn vị đã tự túc được trên 90% thực phẩm, đáp ứng 100% nhu cầu rau xanh, đưa thêm vào bữa ăn bộ đội 1.000 đồng/người/ngày. Ăn cơm chiều xong, thượng tá Đoàn Văn Hùng dẫn chúng tôi đi tham quan các hồ nuôi cá. Đứng từ trên sàn gỗ vươn ra giữa mặt hồ, anh Hùng ném thức ăn cho cá. Chỉ một thoáng, cá tụ lại một khoảng đến 15m2, chen chúc. Anh Hùng nói: “Lứa cá này chỉ vài tháng nữa là thu hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2006, đơn vị đã thu được 41 tấn, với giá trị hơn 550 triệu đồng”.

Đến đơn vị T20, ai cũng ngạc nhiên về những vườn rau, giàn bầu, bí trên lưng chừng núi Tô Châu. Đại úy Bùi Văn Soạn, chỉ huy phó quân sự phân đội 4 dẫn chúng tôi lên triền núi. Trước mắt chúng tôi là những vạt rau, giàn bầu, giàn bí, đu đủ… bao quanh triền núi. Anh Soạn cho biết: “Vừa rồi, đơn vị thu hoạch hơn 1,2 tấn quả bầu, bí. Nhờ đó, phân đội luôn vượt chỉ tiêu rau xanh, với số lượng bình quân 14kg/người/tháng. Khu TGSX này trước đây là nền nhà kho cũ, đầy sỏi đá, đất khô cằn. Phân đội đã bỏ ra gần 20.000 ngày công dọn đá, xếp thành lối đi, gùi vác hàng nghìn mét khối bùn, đất màu và cả phân, rác lên đồi, tạo độ màu mỡ cho đất.

Thượng tá, chính ủy Nguyễn Văn Tư cho chúng tôi biết: Thông qua phong trào thi đua công tác TGSX ở đơn vị chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã thu hoạch được 179 tấn lương thực, thực phẩm, trong đó riêng rau xanh, củ, quả đạt hơn 138 tấn. Từ năm 2003 đến 2005, giá trị TGSX của đơn vị đạt 4,1 tỷ đồng, bình quân đạt 758.000 đồng/người/năm. Đó là những con số ấn tượng ở một vùng đất nhiễm phèn và mặn này. Hiệu quả thu được đơn vị đã đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp doanh trại, doanh cụ, đường nội bộ, bãi tập, khu thể thao, xây dựng Quỹ đồng đội, phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đối tượng chính sách ở thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương.

Tạm biệt đơn vị T20, ráng chiều hiện màu đỏ ối phía xa khơi. Trước gió mặn của biển, những giàn bí vẫn trổ hoa, vàng rực trên lưng chừng núi Tô Châu... tạo nên nét quyến rũ, hiền hòa. Ấn tượng ấy cứ neo mãi trong tâm trí chúng tôi.

Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN, VIỆT HÀ