Từ khi đoàn tàu không số được thành lập và đi vào hoạt động, Tàu 41 đã tham gia thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chuyến đầu tiên, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam vào tháng 10-1962 và nhiều chuyến khác. Cụ thể, ngày 19-10-1962, Tàu 41 (mang biệt danh Phương Đông 1) do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở 30 tấn vũ khí từ miền Bắc vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Thành công này hết sức quan trọng, là chuyến đi đầu tiên khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường xa nhất ở tiền tuyến lớn miền Nam, tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa chiến lược trong công tác chi viện cho miền Nam đánh giặc. Tiếp đó, ngày 3-10-1963, Tàu 41 thực hiện thành công chuyến đột phá chở hàng vào bến mới Lộc An, trực tiếp chi viện cho chiến trường ở Bà Rịa, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng và tăng cường sức mạnh chiến đấu cho LLVT miền Đông Nam Bộ...

Các cựu chiến binh từng công tác trên tàu HQ-671 với thế hệ trẻ. Ảnh: VŨ HƯỞNG 

Đặc biệt, ngày 22-11-1964, Tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy táo bạo đột kích chở 45 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) an toàn, thực hiện thành công chỉ đạo của Trung ương về việc mở bến mới ở Nam Trung Bộ, góp phần tăng thêm sức mạnh, niềm tin và ý chí quyết tâm chiến đấu của quân, dân nơi đây.

Bên cạnh những chuyến vận chuyển thành công, không ít lần Tàu 41 gặp địch, phải chiến đấu, thậm chí phải hủy tàu. Nhưng khi cán bộ, chiến sĩ của Tàu 41 trở về miền Bắc, họ lại được nhận tàu mới. Từ Tàu 41 vỏ gỗ chở thành công 30 tấn vũ khí ở chuyến mở đường đầu tiên đến những con tàu vỏ sắt sau này, phiên hiệu Tàu 41 vẫn được giữ lại, rồi đổi thành Tàu C41, Tàu 641 và cuối cùng là Tàu HQ-671. Đây chính là con tàu của Đoàn tàu không số duy nhất còn lại, là minh chứng cho những chiến công huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển và chiến công hiển hách của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tàu HQ-671 nhận nhiệm vụ chở người, vũ khí, hàng hóa chi viện cho lực lượng tiến công giải phóng các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Đặc biệt, Tàu HQ-671 còn được giao nhiệm vụ cùng với Tàu HQ-673 chở lực lượng của Đoàn 126 Đặc công Hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ-671 tham gia bảo vệ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa; khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể Tàu HQ-671 đã vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương để hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cán bộ, chiến sĩ của ta bị tàu chiến nước ngoài bắn chìm. Sau đó, Tàu HQ-671 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa... Đến năm 2011, Tàu HQ-671 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hải quân (TP Hải Phòng) trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Theo hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Hải quân, Tàu HQ-671 dài 31m, rộng 5,8m, lượng giãn nước 165 tấn, có hai hầm hàng dùng để vận chuyển hàng hóa. Với những thành tích xuất sắc, Tàu HQ-671 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1973 và năm 1989); được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, thủy thủ của tàu qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, gồm: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn, Hồ Đắc Thạnh. Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 là bảo vật quốc gia.

CHU ANH

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.