Ngành hậu cần Học viện Kỹ thuật Quân sự được tổ chức một cấp; hơn nữa lực lượng lớn của Học viện đóng quân ở địa bàn thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm hậu cần; nhất là bảo đảm số lượng, chất lượng, định lượng các loại lương thực, thực phẩm; quy hoạch doanh trại, xây dựng giảng đường, nhà ở, nhà công vụ cho quân nhân; công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện vận tải...
 |
Thủ trưởng Học viện Kỹ thuật Quân sự kiểm tra chất lượng bữa ăn của học viên. Ảnh: TRẦN NGỌC CƯƠNG |
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật (HC-KT) của Học viện đã triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp bảo đảm công tác hậu cần.
Trước hết, căn cứ chỉ thị, nghị quyết của trên, tình hình, nhiệm vụ, cấp ủy các cấp đề ra chủ trương, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể; xác định rõ nội dung trọng tâm, khâu yếu, mặt yếu trong từng giai đoạn, từng nhiệm vụ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Phát huy tốt trách nhiệm trong tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hậu cần. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công tác hậu cần của từng bộ phận.
Hai là, coi trọng đổi mới phương thức bảo đảm, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Với chủ trương bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ăn đủ, ăn hết tiêu chuẩn, Phòng HC-KT đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tạo nguồn lương thực, thực phẩm, phát huy tốt vai trò của hội đồng giá, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội vừa có chất lượng cao, giá thành rẻ, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ cấu bữa ăn trong ngày được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoạt động, công tác của cán bộ, giảng viên, học viên.
 |
Huấn luyện công tác vận chuyển thương binh trong chiến đấu. Ảnh: TRẦN NGỌC CƯƠNG |
Các loại trang bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp thường xuyên được bổ sung, nâng cấp theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, thống nhất, phù hợp với từng loại hình bếp ăn. Phòng HC-KT đầu tư xây dựng trạm khai thác, sản xuất, cung cấp đủ nước uống tinh khiết cho toàn Học viện; duy trì hiệu quả hoạt động của trạm chế biến tập trung.
Mặc dù cơ bản đóng quân ở địa bàn thành thị, nhưng nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, Học viện đã tự túc 100% nhu cầu về trứng, gần 70% nhu cầu rau xanh... 5 năm qua, 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị bếp nuôi quân giỏi, quân lý quân nhu tốt”.
Về bảo đảm doanh trại, Học viện đã tổ chức chặt chẽ việc đấu thầu, giám sát thi công, nghiệm thu công trình, bảo đảm chất lượng, kỹ, mỹ thuật. Học viện chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), chính quyền địa phương trong thống nhất đo, vẽ, xác định ranh giới, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quốc phòng đối với các điểm đất có đủ điều kiện và hoàn thành việc bàn giao các khu đất của Học viện ra địa phương quản lý.
 |
Kiểm tra chất lượng xăng dầu tại Học viện. Ảnh: TRẦN NGỌC CƯƠNG |
Nghiên cứu, rà soát, tổng hợp, báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng giai đoạn 2020-2025; 2026-2030. Bám sát quy định của trên trong công tác quy hoạch mặt bằng doanh trại và quản lý thực hiện quy hoạch; tham mưu chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình doanh trại, bảo đảm điện, nước sinh hoạt đúng danh mục.
Thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Học viện đã chú trọng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, bệnh trong khu vực và đơn vị. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường; quản lý chặt chẽ sức khỏe cán bộ, học viên, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, điều trị tại đơn vị. Hằng năm, tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 99,2%.
Trong công tác bảo đảm xăng dầu, vận tải, Học viện từng bước nâng cấp phương tiện vận tải hiện có; tiếp nhận, mua sắm bổ sung phương tiện mới, phù hợp với yêu cầu. Thực hiện điều chuyển, xử lý các phương tiện cũ đúng thủ tục, nguyên tắc. Chủ động sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện vận tải, trang bị theo quy định.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong công tác hậu cần. Học viện tập trung quản lý chặt chẽ hạn mức sử dụng xăng dầu, ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí tiền ăn, các hoạt động dịch vụ, tạo nguồn... Hội đồng giá Học viện thường xuyên được kiện toàn, duy trì hoạt động có nền nếp, cùng với cơ quan hậu cần, tài chính thống nhất và quản lý chặt chẽ giá trong toàn Học viện.
Các cấp đã đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai tiêu chuẩn, chế độ; ban hành hệ thống quy chế quản lý, sử dụng xăng dầu, điện, nước, doanh cụ, doanh trại... thực hiện giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, Học viện đã chỉ đạo Phòng HC-KT tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo giữa các bếp ăn, tổ chức nấu mẫu, nấu đối chứng, nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nuôi dưỡng bộ đội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm kinh phí, vật tư, tài sản, công sức bộ đội trong hoạt động công tác hậu cần.
 |
Học viện Kỹ thuật Quân sự chú trọng nâng cấp phương tiện vận tải hiện có. Ảnh: TRẦN NGỌC CƯƠNG |
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện, trước hết là về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác hậu cần. Kịp thời chủ động rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, phù hợp với yêu cầu tổ chức, xây dựng lực lượng của Học viện. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện chuyên môn, tham gia các hội thi, hội thao chuyên môn nghiệp vụ ngành.
Cử cán bộ, nhân viên hậu cần đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ tại các học viện, nhà trường; nghiên cứu thực tế, tham quan, khảo sát tại đơn vị cơ sở để nâng cao phẩm chất, năng lực, uy tín và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng các chương trình, đề tài khoa học, công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ huy, điều hành công tác hậu cần góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với các cuộc vận động, Phong trào Thi đua Quyết thắng. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, thời gian của từng cuộc vận động, phong trào thi đua; căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ; đặc điểm, yêu cầu công tác hậu cần trong từng giai đoạn, từng nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị xác định chủ trương, chỉ tiêu, định mức cụ thể và biện pháp tổ chức thực hiện, phân công giao nhiệm vụ cho các bộ phận.
Đồng thời, hướng dẫn từng cá nhân, mỗi bộ phận xây dựng kế hoạch phấn đấu, đăng ký quyết tâm thi đua trong thực hiện nhiệm vụ, làm cơ sở để theo dõi, nhận xét, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần.
Đại tá ĐINH ANH TUẤN, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.