Với sứ mệnh làm cầu nối tri thức giữa cộng đồng khoa học công nghệ, Trung tâm đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ trong nước với các đối tác Nhật Bản và quốc tế. Một trong những hoạt động nổi bật của Trung tâm trong thời gian qua chính là việc tổ chức các tọa đàm khoa học, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước.

Đa dạng chủ đề, phong phú nội dung

Các tọa đàm do TTVN tổ chức không chỉ tập trung vào những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, cơ khí hay vật liệu mới mà còn mở rộng sang các lĩnh vực liên ngành như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…

Tọa đàm khoa học “Giải pháp giám sát tàu mặt nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo”. 

Trung tâm đã xây dựng mạng lưới hợp tác rộng khắp, không chỉ dừng lại ở các trường đại học và viện nghiên cứu tại Nhật Bản mà còn mở rộng quan hệ đối tác với nhiều tổ chức uy tín tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và các nước ASEAN...

Gần đây nhất, Trung tâm đã phối hợp với Công ty R-MOR, Hoa Kỳ tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Giải pháp giám sát tàu mặt nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo”. Hãng R-MOR - một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, đã giới thiệu giải pháp Maritime Security, sử dụng AI để nhận dạng, theo dõi tàu, phân tích dữ liệu hành trình theo thời gian thực, cảnh báo sớm va chạm hoặc xâm nhập khu vực cấm… Đây là bước tiến quan trọng hướng tới xây dựng hạ tầng giao thông thông minh. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội.

Các tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu. 

Thúc đẩy thế hệ trẻ tham gia khoa học

Trung tâm luôn chú trọng tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia. Thông qua các phiên thảo luận mở và phiên tư vấn học bổng, nhiều sinh viên đã tìm thấy hướng đi nghiên cứu tại Nhật Bản cũng như kết nối với các nhóm nghiên cứu quốc tế.

Đằng sau sự thành công của các tọa đàm là sự tận tâm, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm, đã phối hợp tổ chức một cách chuyên nghiệp và tạo dựng được môi trường học thuật cởi mở, hiệu quả.

Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Quốc Định, Chỉ huy trưởng Trung tâm Hợp tác quốc tế khoa học công nghệ Việt - Nhật phát biểu tại một tọa đàm.

Trong thời gian tới, Trung tâm xác định tiếp tục đẩy mạnh kết nối với các đối tác quốc tế uy tín, đa dạng hóa các hình thức trao đổi hợp tác, mời chuyên gia đầu ngành đến dự và trình bày báo cáo tại các tọa đàm, nâng cao hiệu quả hợp tác với các đội ngũ giáo sư, nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia quốc tế, hướng tới hình thành một mạng lưới hợp tác bền vững trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Qua đó đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn sâu, giỏi ngoại ngữ, có khả năng làm việc và kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế.

 Tọa đàm khoa học “Giải pháp của Cadence trong thiết kế Vi mạch - Bán dẫn”.

Với những kết quả đã đạt được, TTVN đã và đang đóng góp vào việc kết nối tri thức, thúc đẩy hợp tác và lan tỏa tinh thần khoa học trong Quân đội nói chung và Học viện Kỹ thuật Quân sự nói riêng. Các buổi tọa đàm không chỉ là nơi chia sẻ học thuật mà còn là chất xúc tác tạo nên những mối quan hệ hợp tác bền vững. Trung tâm đang từng bước khẳng định là địa chỉ tin cậy trong việc kết nối hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức phục vụ quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

PHÙNG QUÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.