Gần 10 năm trôi qua, tất cả tình thương, trách nhiệm và những gì tốt nhất, những người bố, người mẹ bộ đội đều dành hết cho các em. Với sự bù đắp ấy, những mặc cảm, thua thiệt vì thiếu vắng cha mẹ của cả 5 đứa trẻ đã dần xóa nhòa, thay vào đó là tiếng cười và sự lớn lên từng ngày của mấy chị em trong vòng tay ấm áp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

leftcenterrightdel
Những ngày đầu khi 5 chị em Sùng Thị Dinh được các cô, chú bộ đội Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 đón về chăm sóc, năm 2008. 

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Tuyết, phụ trách nhà tình thương Trung đoàn 720, một trong những người mẹ đã gắn bó với những đứa trẻ ngay từ buổi đầu, chia sẻ: “Thương hoàn cảnh các em, chúng tôi đã sắp xếp thời gian, phân công nhau gặp gỡ động viên, giúp đỡ để yêu thương, vỗ về. Tình cảm mỗi ngày được nuôi dưỡng, tựa như cái cây cắm rễ sâu xuống lòng đất, chị em Dinh coi các bác, các cô, các chú như người thân của mình, coi đơn vị là ngôi nhà thứ hai sinh ra các em”.

Theo thời gian, Sùng Thị Dinh trưởng thành và đã lập gia đình. Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 16 (trước đó là Chính ủy Trung đoàn 720) là người đứng ra chủ trì hôn lễ. Hiện nay, Dinh là giáo viên mầm non. Hạnh phúc mà chị em Dinh có được là nhờ tấm lòng nhân hậu của các ông bố, bà mẹ thứ hai đã đùm bọc yêu thương, nuôi nấng lớn khôn, lo dựng vợ gả chồng và tạo điều kiện để an cư lạc nghiệp... Ấy là hồng phúc được khởi nguồn từ tấm lòng nhân hậu, bao dung của Bộ đội Cụ Hồ ở vùng cao nguyên nơi cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Các em của Dinh là Sùng A Giàng, Sùng Thị Gió, Sùng Thị Sùng, Sùng Thị Nu còn đang đi học, tất cả đều có chung một ước mơ giản dị: Lớn lên vào bộ đội để tiếp nối truyền thống của các cô, các chú Binh đoàn 16. Trên vùng đất Nam Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, gian khổ ấy, gió vẫn thổi, suối vẫn chảy kể câu chuyện về những đứa con của Trung đoàn 720, về tình đoàn kết máu thịt quân dân, gắn kết tình cảm đồng bào miền xuôi, miền ngược, về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

HẢI VÂN - NGUYỄN OANH