Tiền thân Trường Quân sự Quân khu 9 là Trường Quân chính Quang Trung. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Chiến khu 9 (nay là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9); sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Bộ Quốc phòng, cơ quan quân khu; sự giúp đỡ, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhà trường đã xây dựng chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện phù hợp, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nguồn cán bộ quân sự chất lượng cao cho LLVT Quân khu 9.
 |
Quang cảnh kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Trường Quân sự Quân khu 9.
|
 |
Học viên thực hành nội dung chỉ huy khẩu đội kéo pháo vào trận địa.
|
Thực hiện phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, cùng với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, những năm qua, Trường Quân sự Quân khu 9 tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được đi đào tạo ở các học viện, nhà trường và đi thực tế ở các địa phương, đơn vị để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Hơn bảy thập niên xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Quân sự Quân khu 9 đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 10.000 khóa, với hơn 100.000 cán bộ, học viên.
Năm 2020, 2021, nhà trường được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Thi đua; năm 2022, được Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đại tá, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Quân khu 9 khẳng định: “Để giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ quân sự chất lượng cao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân địa bàn chiến lược Tây Nam Bộ trong tình hình mới, nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới; Nghị quyết số 765, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; thực hiện tốt phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “Dạy học tích cực”. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, nâng cấp thao trường huấn luyện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.
Tin, ảnh: QUANG ĐỨC- NGUYỄN ĐƯỜNG