leftcenterrightdel
  Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Ninh (Bình Phước) giúp dân làm chuồng chăn nuôi gia súc tập trung tại khu dân cư.

Câu chuyện nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) và một số xã vùng biên, từ lâu có thói quen nuôi nhốt gia súc sát cạnh, dưới sàn nhà ở gây ô nhiễm môi trường, là nỗi trăn trở, thách thức của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước tình hình đó, Ban CHQS huyện Lộc Ninh đã phối hợp các ban, ngành tham mưu cho UBND huyện triển khai chương trình “Hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc lớn ra khu tập trung”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bình Phước giúp dân làm đường giao thông nông thôn vùng biên giới. 

Tuy nhiên khi cán bộ, chiến sĩ xuống tuyên truyền, vận động thì nhiều bà con lại không đồng ý, vì cho rằng đó là tập quán của đồng bào. Theo Thượng tá Nguyễn Minh Tứ, Chính trị viên Ban CHQS Lộc Ninh, khó khăn lớn nhất là khi làm công tác dân vận, một số cán bộ, chiến sĩ không biết nói tiếng đồng bào. Khắc phục vấn đề này, Ban CHQS huyện đã đẩy mạnh thực hiện mô hình “Tự học tiếng đồng bào” do Bộ CHQS tỉnh triển khai.

Hằng tuần, mỗi đơn vị dành 2-3 buổi, người biết nhiều bồi dưỡng cho người biết ít, người đã biết dạy cho người chưa biết, mục tiêu là mọi cán bộ, chiến sĩ đều có khả năng giao tiếp được với đồng bào. Nhờ kiên trì vận động, đơn vị đã phối hợp giúp các hộ dân tổ chức di dời chuồng gia súc ra khỏi nhà.

leftcenterrightdel
 Trao nhà "nghĩa tình quân - dân" tặng quân nhân khó khăn.

Từ kinh nghiệm làm điểm ở một số nơi, UBND huyện đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Lộc Ninh huy động gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng di dời hầu hết các chuồng chăn nuôi gia súc lớn trong nhà của đồng bào trên địa bàn huyện ra khu chăn nuôi tập trung ở từng khu dân cư.

Với cách làm này, đơn vị đã góp phần thay đổi nhận thức, cách làm ăn, thói quen sinh hoạt của đồng bào, tuyên truyền hiệu quả đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy tốt phẩm chất, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Ghi nhận cách làm này, năm 2022, lực lượng vũ trang huyện Lộc Ninh đã được Bộ tư lệnh Quân khu 7 tặng Cờ thi đua.

leftcenterrightdel
Ban CHQS huyện Lộc Ninh (Bình Phước) phối hợp các ban, ngành trao quà Tết tặng người nghèo. 

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, tùy đặc điểm địa bàn, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Thành phố Đồng Xoài có tốc độ đô thị hóa nhanh, an ninh trật tự nhiều thời điểm phức tạp, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Nhận rõ vấn đề này, Ban CHQS thành phố Đồng Xoài đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với 6 ban, ngành, đoàn thể, triển khai hiệu quả mô hình “Phối hợp làm công tác dân vận trên địa bàn”. Năm 2022, đơn vị đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình như: “Tết quân - dân”, “Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí”; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, "Nâng bước em đến trường"... huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân.

Đặc thù địa bàn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Ban CHQS huyện Bù Gia Mập cũng thực hiện hiệu quả mô hình "Một chiến sĩ dân quân nắm 3 hộ dân", thiết thực giúp bà con nâng cao sản xuất, ổn định cuộc sống, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương giàu đẹp, xây dựng xóm, ấp bình yên...

leftcenterrightdel
Tặng quà Tết cho người dân nghèo huyện Bù Đốp, Bình Phước. 

Trong thực hiện công tác dân vận, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời chỉ rõ nội dung, nguyên nhân còn hạn chế cần khắc phục. Theo Đại tá Phạm Như Quân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, Đảng ủy Quân sự tỉnh yêu cầu hàng tháng, nghị quyết lãnh đạo của các cấp ủy phải chỉ rõ nội dung, nguyên nhân còn hạn chế, từ đó tập trung sức lãnh đạo, khắc phục triệt để. Đơn vị phối hợp với ban, ngành địa phương phát huy tốt vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Thường vụ Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh còn chú ý phân công các đảng ủy viên, cơ quan tham gia công tác, thường xuyên bám những đơn vị, địa bàn trọng điểm, khó khăn, phức tạp, nhất là địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp dân bằng việc làm cụ thể, thiết thực.

leftcenterrightdel

Ban CHQS thị xã Chơn Thành (Bình Phước) phối hợp các nhà hảo tâm tặng học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn. 

Chỉ từ năm 2022 đến nay, lực lượng vũ trang tỉnh đã tuyên truyền tập trung hơn 1.400 buổi với hơn 33.400 lượt người, tuyên truyền nhỏ lẻ cho 4.960 hộ dân. Các đơn vị huy động hơn 6.000 ngày công giúp dân sửa chữa, nâng cấp 25km đường giao thông nông thôn, khắc phục 22 căn nhà hư hỏng và hơn 20ha hoa màu thiệt hại do thiên tai; sửa, nâng cấp 23 nhà dân và Nhà văn hóa ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long với tổng số tiền 859 triệu đồng; xây dựng 16 căn nhà tình nghĩa, nhà “Nghĩa tình quân dân” tặng người nghèo và trao gần 1.000 suất học bổng cho học sinh nghèo...

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN – MINH VIỆT