Thắp sáng bản làng

Trong chuyến công tác mới đây lên bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Trên các con đường, những lá cờ Tổ quốc đỏ tươi tung bay trong gió, bà con cần mẫn lao động trên những thửa ruộng, mảnh vườn; trẻ nhỏ vui đùa, tiếng nói, cười rộn ràng vui tươi.

Ông Hồ Xy, Trưởng bản Dốc Mây hồ hởi: “Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, Bộ đội Biên phòng, bản Dốc Mây đã không còn nhiều khó khăn như trước; giờ đây, bà con đã biết canh tác, sản xuất, trẻ nhỏ đều được đến trường học chữ. Đặc biệt, niềm vui còn lớn hơn, bởi từ nay, nhiều tuyến đường được thắp sáng bởi ánh đèn điện. Tất cả đều là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình”.

 Công trình "Ánh sáng vùng biên" góp phần khởi sắc diện mạo nông thôn mới ở nhiều bản, làng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: HOÀI NAM 

Theo Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô: Để “thắp sáng” được Dốc Mây là một hành trình khá gian nan, vất vả. Bởi, từ trung tâm xã, muốn vào bản phải qua hơn 20km đường rừng với nhiều đường mòn, khe suối, dốc đá cheo leo. Đi bộ đã khó, mang theo vật liệu, thiết bị để lắp hàng chục cột đèn lại khó hơn bội phần. Nhưng với quyết tâm kéo Dốc Mây gần hơn với miền xuôi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô cùng bà con dân bản đã huy động hàng trăm ngày công để vận chuyển 20 cột điện, bóng đèn từ đơn vị vào bản.

Rời Dốc Mây, chúng tôi ngược cung đường Hồ Chí Minh để đến với đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Tiếp chúng tôi, anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ vui mừng thông tin: "Năm nay, mưa thuận gió hòa, cả bản thu hoạch được gần 30 tấn lúa. Bên cạnh niềm vui được mùa, mọi người cũng vui, tự hào hơn khi gần đây, em Cao Thị Lệ Hằng là người Rục đầu tiên thi đỗ vào đại học. BĐBP làm đường, dựng nhà cho dân ở; dạy chữ cho bà con; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn trồng trọt, khám, chữa bệnh miễn phí. Giờ đây, cũng chính BĐBP mang ánh sáng lên với bản, để trẻ nhỏ thuận tiện đến trường, dân bản có điều kiện đi lại, thăm hỏi lẫn nhau và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ơn này, bà con suốt đời ghi nhớ”.

Mô hình “Ánh sáng văn minh” ở bản Mò O Ồ Ồ chính là công trình đèn đường chiếu sáng do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng thi công lắp đặt. Chúng tôi được biết, Mò O Ồ Ồ là bản đầu tiên được thắp sáng bởi hệ thống đèn năng lượng mặt trời.

Xuất phát từ ý tưởng chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi biên giới, nhất là tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện vào ban đêm, đầu năm 2019, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Đồn Biên phòng Cà Xèng phối hợp thực hiện thí điểm xây dựng đèn điện chiếu sáng với tổng chiều dài 2,5km, trị giá hơn 31 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả thiết thực mà công trình thí điểm mang lại, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã đặt tên cho công trình là “Ánh sáng vùng biên”, đồng thời chỉ đạo, triển khai nhân rộng thực hiện ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở 94 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 16 xã, phường khu vực biên giới, vùng biển, vùng đồng bào có đạo.

Sau khi đưa vào sử dụng, các công trình đã giúp nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khu vực biên giới. “Ánh sáng vùng biên” là mô hình tiêu biểu minh chứng cho tình đoàn kết quân-dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

 Công trình "Ánh sáng vùng biên" được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình triển khai ở bản Na Chắt, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Mang “Ánh sáng vùng biên” qua biên giới

Tháng 7-2022, được phép của cấp trên, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã sang bản Na Chắt, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) tổ chức thi công công trình “Ánh sáng vùng biên” do BĐBP tỉnh Quảng Bình trao tặng. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào cấp Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh năm 2022.

Những ngày ở Na Chắt, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, nghỉ, bà con bản Na Chắt còn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ vận chuyển thiết bị, đào hố dựng cột điện, lắp bóng đèn, kéo đường dây... Nhờ vậy, công trình có chiều dài 1,5km với 48 cột và bóng đèn đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Bà Nang Lo, 78 tuổi ở bản Na Chắt vui vẻ: “Từ ngày có đèn đường chiếu sáng, bản Na Chắt vui hơn, tối đến, mọi người tập trung quây quần trò chuyện, trẻ nhỏ thỏa sức vui đùa. Điện chiếu sáng xuyên đêm trên các trục đường, an ninh được bảo đảm hơn, mọi người không còn ngại bóng tối, nhất là những lúc mưa gió. Mừng lắm, cảm ơn BĐBP Việt Nam nhiều lắm!”.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “Công trình mang ý nghĩa rất đặc biệt, bởi đây là nhiệm vụ mà chúng tôi triển khai thi công hoàn thành vượt không gian, thời gian, tiến độ. BĐBP tỉnh Quảng Bình cũng là đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng và triển khai thực hiện. Rồi đây, sau bản Na Chắt, ánh sáng đèn điện sẽ được thắp sáng ở nhiều bản làng khác trong thắm tình hữu nghị đoàn kết quân-dân hai bên biên giới”.

Hiệu quả mô hình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: THANH NAM 

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện mô hình “Ánh sáng vùng biên” do Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình tổ chức, lãnh đạo các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đồng hành đánh giá cao hiệu quả, đồng thời mong muốn cùng BĐBP triển khai thực hiện ở toàn bộ 28 xã địa bàn khu vực biên giới trong thời gian tới.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, sở dĩ “Ánh sáng vùng biên” được Bộ tư lệnh BĐBP lựa chọn là mô hình “Dân vận khéo” và chỉ đạo nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước là bởi hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia.

Trên các bản làng nơi biên giới xa xôi, thêm một công trình mới hoàn thành, đồng nghĩa là đời sống người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn mới thêm phần khởi sắc; khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng vì thế cũng xích lại gần hơn.

“Không chỉ là ánh sáng của đèn điện bình thường, “Ánh sáng vùng biên” còn mang ánh sáng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; ánh sáng của tiến bộ, văn minh đến với đồng bào dân tộc thiểu số mà những cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP tỉnh Quảng Bình là đơn vị vinh dự được giao trọng trách thực hiện. Đó chính là thành công lớn nhất mà mô hình này mang lại”, ông Đoàn Ngọc Lâm khẳng định.

TRẦN MINH TÚ