Địa bàn hoạt động rộng, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Kiên Giang, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; thời gian qua, đơn vị chú trọng đầu tư công trình nông nghiệp, hỗ trợ sinh kế, đồng hành cùng bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng biên giới, tỷ lệ hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cao, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của địa phương. Như gia đình anh Lý Văn Ếch, ở ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành thuộc hộ dân tộc Khmer và cận nghèo của địa phương. Không có đất canh tác, quanh năm làm thuê, vợ chồng và 2 người con ở trong căn nhà lá ọp ẹp. Năm 2016, anh Ếch được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 915 (KTQP 915) hỗ trợ 2 con bò giống, đến nay anh bán được 7 con với số tiền 140 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Đoàn Kinh tế Quốc phòng 915 hỗ trợ gà giống cho nhân dân xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành.

“Khi nhận bò về nuôi, vợ chồng tôi mừng lắm. Hằng ngày tôi đi làm thuê, vợ ở nhà lo 2 con đi học và chăm sóc bò. Buổi chiều đi làm về, tôi tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn thêm. Nhờ số tiền bán bò, năm 2022 tôi cất lại căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng, số tiền còn lại tôi mua đồ dùng học tập cho con và vật dụng trong gia đình. Có được như ngày hôm nay cũng nhờ bộ đội giúp đỡ, giờ đây gia đình không còn lo sợ khi mùa mưa, 2 đứa con có điều kiện học tốt hơn. Hiện tôi đang nuôi 4 con, cố gắng dành dụm để lo cuộc sống sau này”, anh Ếch cho biết.

Do hoàn cảnh khó khăn nên anh Mã Văn Phến ở ấp Rạch Dứa, xã Phú Mỹ đưa đứa con lớn mới 15 tuổi đi học Trường dân tộc nội trú để đỡ lo chi phí. Người con nhỏ mới 4 tuổi thì bị suy dinh dưỡng, khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng anh phải lo toan đủ thứ để trang trải. Năm 2018, anh Phến được Đoàn KTQP 915 hỗ trợ 2 con bò, nhờ chí thú làm ăn, anh đã bán được 6 con với số tiền trên 100 triệu đồng và hoàn trả Đoàn 2 con bò. Anh Phến cho biết: “Khi nhận bò, tôi vừa mừng vừa lo bởi chưa có kinh nghiệm, sợ bò phát triển không tốt nhưng nhờ các anh ở Đoàn KTQP 915 thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nên bò tăng trưởng khá nhanh. Hằng ngày, sau khi phụ hồ về, tôi tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn đủ ngày hôm sau, nhờ số tiền bán bò giúp cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn rất nhiều”.

Hiện nay, hoạt động sản xuất của nhân dân chủ yếu từ các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ. Điều kiện đi lại có nơi còn khó khăn, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện. Từ thực tế trên, Đoàn KTQP 915 phối hợp địa phương giúp nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Lê Văn Ấm, Đội trưởng Đội Sản xuất 1 Đoàn Kinh tế Quốc phòng 915 hướng dẫn bà con chăm sóc bò. 

Thiếu tá Lê Văn Ấm, Đội trưởng Đội Sản xuất 1, cho biết: “Tôi được chỉ huy đơn vị giao phụ trách 50 hộ chăn nuôi bò, trong đó có 40 hộ người dân tộc Khmer. Bà con chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống, đốt lá cây hun muỗi chứ không cho bò ngủ mùng. Để kịp thời hướng dẫn bà con nuôi đúng kỹ thuật, tôi tranh thủ học tiếng dân tộc, lấy một số gia đình nuôi hiệu quả làm ví dụ để nhân rộng cho các hộ. Ví như tập tính con bò là chịu ở sạch sẽ nên buổi sáng phải dắt nó ra ngoài tắm nắng, cho ăn rồi vệ sinh chuồng. Hay thức ăn thì phải xay hoặc cắt thành đoạn nhỏ bò mới chịu ăn. Tôi còn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chủ động hướng dẫn bà con tiêm phòng. Nhờ vậy, tỉ lệ chăn nuôi của các hộ do tôi phụ trách đạt gần 99%”.

Bên cạnh đó, Đoàn KTQP 915 còn triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, góp phần tích cực cải thiện đời sống của nhân dân, giúp người dân an tâm bám đất, bám biên, củng cố quốc phòng, an ninh. Đoàn còn phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, nắm bắt tình hình, điều kiện chăn nuôi của nhân dân. Trên cơ sở đó, mở các lớp tập huấn kiến thức và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Đồng thời, chọn nguồn con giống đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng các quy trình tiêm phòng, ngừa dịch bệnh.

Quá trình thực hiện, đơn vị phân công cán bộ Đội Sản trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc vật nuôi. Thượng tá Trần Quang Thanh, Phó đoàn trưởng Đoàn KTQP 915, cho biết: “Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của huyện Giang Thành rất khắc nghiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sản xuất. Vì vậy, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới đạt hiệu quả. Thời gian qua, chúng tôi được Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt và áp dụng hiệu quả. Thành công của chúng tôi, giúp bà con tin tưởng làm theo”.

leftcenterrightdel
Trí thức trẻ tình nguyện dạy kèm học sinh trên địa bàn. 

Ông Huỳnh Trọng Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành, cho biết: “Giang Thành là một trong những huyện khó khăn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, sự có mặt của Đoàn KTQP 915 đã giúp chúng tôi có nhiều khởi sắc trong xây dựng hạ tầng giao thông, thực hiện nhiều dự án hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Nhất là hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 của Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại Khu KTQP Tứ giác Long Xuyên. Mục tiêu đến năm 2025, Đảng bộ xác định cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành chỉ tiêu này, rất mong Đoàn KTQP 915 tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả”.

Từ năm 2021-2023, Đoàn KTQP 915 đã bàn giao địa phương sử dụng tuyến đường vành đai nam Vĩnh Tế 2,7km trị giá trên 9,7 tỷ đồng; thi công đường kênh Nông Trường giai đoạn 2 dài 7,6km, trị giá trên 20 tỷ đồng. Hỗ trợ các Trạm y tế trong vùng dự án, trị giá gần 5 tỷ đồng. Bàn giao 2 cây cầu sắt thuộc xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều, trị giá 316 triệu đồng; biểu tượng cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa cho Trường Trung học phổ thông Sơn Hải, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, với số tiền 200 triệu đồng…

Các công trình đầu tư, hỗ trợ sản xuất của Đoàn KTQP 915 phù hợp với quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp thực tế được cấp ủy, địa phương đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, phát huy nội lực của mỗi người dân, hộ gia đình, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện tiêu chí giảm hộ nghèo, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.