Tại hội nghị, đồng chí Lê Tâm, một kỹ sư yêu nước đã trình bày nguyên lý đạn lõm, giúp các xưởng quân giới nghiên cứu, vận dụng chế tạo vũ khí. Sau hội nghị, các xưởng quân giới đều xúc tiến việc chế tạo vũ khí thô sơ và lựu đạn.

Đồng chí Bùi Cát Vũ, Giám đốc công binh Xưởng 310, được phân công phụ trách nghiên cứu vũ khí đánh đồn địch. Sau một thời gian nghiên cứu, bản vẽ thiết kế “quả trái phá” theo nguyên lý đạn lõm, có bộ gây nổ bằng điện đã hoàn thành. Thuốc nổ lấy từ bom, đạn pháo không nổ của địch. Vì chưa có kíp nổ điện, anh em Xưởng 310 đã dùng một bóng đèn pin để chế thành kíp nổ điện. Xưởng 310 đã đem quả trái phá ốp vào bức tường gạch dày 0,8m và gây nổ. Sau tiếng nổ, bức tường đã bị phá bung. Xưởng 310 đặt tên cho quả trái phá này là FT-“phá tường” và chính thức đưa vào sản xuất.

Quả FT ra đời là một tiến bộ kỹ thuật trong điều kiện cụ thể của nền công nghiệp nước ta và thực tế chiến trường Nam Bộ lúc đó. Sự xuất hiện của FT mở ra triển vọng của cách đánh mới, bằng loại vũ khí mới. Để thử nghiệm FT, Tỉnh đội Thủ Biên tổ chức cho Đội du kích Tân Uyên dùng FT đánh vào tháp canh Cầu Bà Kiên lần thứ hai. Đồng chí Trần Công An trực tiếp chỉ huy đội du kích, huấn luyện bổ sung kỹ thuật sử dụng FT. Rạng sáng 19-5-1948, Đội du kích Tân Uyên đã dùng FT đánh sập tháp canh Cầu Bà Kiên, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu vũ khí, mở ra khả năng đánh sập tháp canh, đồn bốt của địch trên chiến trường Nam Bộ.

Sau đó, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Thủ Biên đã chỉ đạo Huyện đội Tân Uyên tuyển chọn những chiến sĩ du kích có thành tích chiến đấu dũng cảm ở các xã, thành lập đại đội vũ trang tập trung của huyện. Nhiệm vụ của đại đội là nghiên cứu cách đánh tháp canh và nhân rộng cách đánh mới này ra toàn tỉnh. Vũ khí chính của đơn vị là các quả FT và chiến thuật tập kích được coi là cách đánh sở trường trong chiến đấu tiến công tiêu diệt bốt Đờ La-tua và các đồn lẻ của địch ngày đó.   

DƯƠNG HƯƠNG LÝ (Theo Lịch sử Bộ đội Đặc công, 1987)