Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ giữa tạo thế cho ta, phá thế của địch, chủ động tiến công địch để giành thắng lợi.
Chiến dịch Trị-Thiên diễn ra trên địa bàn gần với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên ta có điều kiện làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, ta cũng có khó khăn, như: Địa bàn chiến dịch rộng, địch đã thiết lập tuyến phòng ngự mạnh với nhiều tầng, nhiều lớp, với hệ thống công sự, trận địa kiên cố, liên hoàn, vững chắc, lại có hàng rào điện tử McNamara kiểm soát chặt chẽ cả ngày lẫn đêm. Để tăng cường phòng thủ, địch còn sử dụng nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại, như: Pháo binh, không quân, pháo hạm, máy bay ném bom chiến lược B-52... Trong khi đó, để tạo được thế trận ban đầu ta phải bí mật cơ động nhiều đơn vị cùng khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các phương tiện cơ giới hạng nặng vào triển khai.
Trên cơ sở nắm chắc tình hình, Bộ tư lệnh (BTL) chiến dịch đã triệt để tận dụng thế trận chiến lược để phát triển thế trận chiến dịch vững chắc; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, nhanh chóng xây dựng hệ thống đường cơ động. Với sự chủ động, tích cực của các lực lượng, đến tháng 3-1972, ta đã làm mới và sửa chữa được 9 tuyến đường, với tổng chiều dài 264km, bảo đảm cho việc cơ động, vận chuyển các loại binh khí kỹ thuật và hàng hóa hậu cần. Cũng nhờ hệ thống đường giao thông này, các lực lượng của ta, nhất là các đơn vị cơ giới đã bí mật cơ động chiếm lĩnh trận địa, triển khai vũ khí, khí tài nhanh chóng, an toàn trên các hướng theo đúng ý định tác chiến chiến dịch.
 |
Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu (Quảng Trị) năm 1972. Ảnh tư liệu |
BTL chiến dịch tổ chức các tổ đài vô tuyến điện thường xuyên phát những chỉ thị, mệnh lệnh giả. Đồng thời, chỉ đạo LLVT các địa phương đánh địch liên tục, rộng khắp để căng kéo, thu hút, nghi binh hướng tiến công của ta và thực hiện cài thế chiến dịch. Điển hình là LLVT tỉnh Quảng Trị đã đánh gần 400 trận lớn, nhỏ ngay trong tháng 3-1972; LLVT tỉnh Thừa Thiên liên tục hoạt động trên khu vực phía tây Đường 12, thu hút địch về khu vực này. Nhờ tiến hành các biện pháp đồng bộ, ta đã cơ động, triển khai một lượng lớn lực lượng và binh khí kỹ thuật trên cả 4 hướng tiến công, với phạm vi hàng trăm ki-lô-mét, bảo đảm bí mật, an toàn. Điều đáng nói là, ngay sát hàng rào điện tử McNamara được coi là bất khả xâm phạm, các binh đoàn chủ lực của ta đã thực hành cơ động, triển khai lực lượng, bổ sung vật chất, sẵn sàng tiến công mà địch không hề hay biết. Chính việc triển khai ban đầu nhanh chóng, bí mật đã tạo được thế trận vững chắc, bảo đảm tác chiến hiệp đồng binh chủng trên toàn địa bàn chiến dịch, giành thế chủ động để đánh địch, giành thắng lợi.
Ta còn tạo thế bằng kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực, xung lực, sức đột kích trên hướng chủ yếu, tạo sức mạnh hơn hẳn địch với thực hành đột phá từ ngoài vào trong. Bằng việc sử dụng pháo binh chiến dịch đánh mật tập làm “mềm” chiến trường, lực lượng pháo cao xạ sẵn sàng bắn máy bay, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng chi viện, đánh phá của không quân địch; kết hợp sức cơ động, đột kích của xe tăng, bộ binh lần lượt tiêu diệt các cứ điểm từ ngoài vào trong. Hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, các hướng tiến công, trên từng hướng, mũi, thống nhất mọi hành động giữa bộ binh với các lực lượng pháo binh, phòng không, xe tăng, thiết giáp... đã tạo bàn đạp và nhanh chóng phát triển vào mục tiêu bên trong, phá vỡ thế phòng ngự của địch, tiêu diệt địch, giải phóng địa bàn.
Đi đôi với tạo thế cho ta, BTL chiến dịch chú trọng phá thế của địch; kết hợp đột phá, thọc sâu, vu hồi với bao vây, chia cắt, đánh địch trên toàn bộ chiều sâu phòng ngự; kết hợp tiêu diệt địch với phá vỡ thế phòng ngự của chúng; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên những địa bàn đông dân cư. Để phá thế phòng ngự của địch, tạo thế đánh trận then chốt, BTL chiến dịch đã tổ chức tiến công trên 4 hướng (đột phá mạnh từ hướng Tây và hướng Bắc, kết hợp với bao vây và thọc sâu từ phía Đông, cắt tiếp tế vận chuyển và chia cắt chiến dịch từ phía Nam), tận dụng sức mạnh hiệp đồng binh chủng hợp thành tiến công phá vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài và hệ thống pháo binh của địch với đánh bại lực lượng cơ động ứng cứu, phá vỡ thế trận, nhanh chóng tiến công tiêu diệt địch.
Phá thế địch còn bằng việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: Tập kích hỏa lực mạnh, tiến công bằng hiệp đồng binh chủng, đột phá liên tục, đánh đến đâu bám trụ đến đó; kết hợp đột phá đồng thời, vu hồi chiến dịch với thọc sâu, bao vây, chia cắt, phá tan từng mảng phòng ngự của địch, nhanh chóng tiêu diệt từng cụm mục tiêu, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 5-1972.
PHẠM ANH TUẤN