Đầu tháng 3-1972, Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định hướng tấn công chiến lược chủ yếu là Trị - Thiên, còn Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng. Để chuẩn bị tốt cho chiến dịch tiến công cũng như các hoạt động quân sự khác trên chiến trường miền Nam Việt Nam, khi đó Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu về việc huấn luyện quân sự, nâng cao khả năng chiến đấu trong đánh tập trung, đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô vừa và lớn.

Sau khi làm việc và nghe Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị-Thiên (Bộ Tư lệnh B5) báo cáo về quyết tâm, kế hoạch tác chiến, trao đổi về mục tiêu, yêu cầu, phương châm chiến dịch; về cách đánh, sử dụng lực lượng của chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng kết luận làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc trong hoạt động quân sự trên chiến trường Trị-Thiên, về tiêu diệt sinh lực địch và vấn đề sử dụng các lực lượng tham gia chiến dịch. Đồng thời, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phổ biến nhiệm vụ Chiến dịch Trị - Thiên được Bộ Chính trị thông qua.

Được sự phân công của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng vào cùng Bộ tư lệnh B5 trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Trị - Thiên. Để bảo đảm cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày giành thắng lợi, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Bộ tư lệnh B5 chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy, các đơn vị tham gia chiến dịch.

Thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Văn Tiến Dũng nghiên cứu, đánh giá và nhận định về tình hình địch ở chiến trường Trị - Thiên và chỉ rõ: Điểm mạnh của địch là quân số đông, với ba phòng tuyến vững chắc, cùng với địa hình cho phép địch có thể phát huy được binh khí kỹ thuật, hành quân ứng viện, chi viện hỏa lực thuận lợi. Đồng thời, nhận định điểm yếu của địch trên các tuyến phòng ngự bộc lộ nhiều sơ hở, công tác tổ chức còn lỏng lẻo, tinh thần chiến đấu kém. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đưa ra phương châm chỉ đạo về cách đánh, hướng tiến công chiến lược quan trọng của chiến dịch trên chiến trường Trị - Thiên năm 1972.

Trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình địch, ta, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã đề ra phương châm, cách đánh chiến dịch. Mở đầu là phải tập trung hỏa lực triệt để kiềm chế pháo binh địch, làm tê liệt chỉ huy sở, kho tàng, phá vỡ và làm suy yếu cơ sở phòng ngự của địch. Thực hiện đánh điểm và diệt viện, đánh điểm nhằm mục đích tạo điều kiện cho đánh vận động để tiêu diệt quân địch đến ứng cứu. Công tác chuẩn bị đánh viện binh địch rất quan trọng, phải tiến hành chu đáo. Lúc đầu, ta chỉ đánh một đến hai điểm, thực hiện vây ép và vây lấn một số điểm, đánh nát điểm bằng hỏa lực các binh chủng kỹ thuật, tạo điều kiện để đi đến diệt điểm bằng sinh lực. Khi vây phải khống chế được trực thăng địch, không để chúng bốc quân, nghiên cứu địch sử dụng tăng thiết giáp để đánh hiệu quả ngay từ đầu. Phải có lực lượng dự bị mạnh sử dụng cho mục tiêu quyết định của chiến dịch. Chủ lực lúc đầu không nên tung ra hết mà phải dành cho lúc cao điểm; duy trì sức và lực lượng đánh dài hơi, đón thời cơ. Chỉ đạo các đơn vị đánh tiêu diệt gọn về chiến thuật, đánh liên tục dài ngày, luân phiên các trung đoàn chiến đấu trong sư đoàn. Chú trọng kết hợp tốt giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương, giữa đòn tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, với công tác binh vận; thực hiện tốt kế hoạch phối hợp đánh địch bằng cả ba thứ quân, đánh địch cả tuyến trong và ngoài, buộc địch bị động, phải căng ra đối phó cùng một lúc trên nhiều hướng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được giữ bí mật tuyệt đối; các lực lượng tham gia chiến dịch sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu theo đúng thời gian, đúng ý định tác chiến. Về phía địch, chúng hầu như không nắm được ý đồ của ta. Việc giữ được bí mật, bất ngờ về chiến dịch đến phút chót là một thành công lớn trong nghệ thuật chuẩn bị chiến dịch của đồng chí Văn Tiến Dũng.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên bắt đầu. Từ ngày 30-3 đến ngày 9-4, ta tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc địch phải bố trí lực lượng phòng ngự thành ba cụm (Đông Hà, Ái Tử, La Vang). Tiếp đó, đợt 2, từ ngày 26-4 đến ngày 2-6, ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đợt 3, từ ngày 20-6 đến ngày 27-6, ta tiếp tục phát triển tiến công về phía nam sông Mỹ Chánh. Kết thúc tiến công  ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và ba xã thuộc huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược đề ra.

leftcenterrightdel
 Trung đoàn 95 bắt tù binh địch tại Căn cứ Ái Tử - Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu.

Với sự chỉ đạo tài tình, mưu lược, sáng tạo của Bộ tư lệnh chiến dịch, trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và trước sự tiến công ngoan cường, quyết liệt của các lực lượng tham gia chiến dịch, địch rơi vào tình thế bị động, bất ngờ, phán đoán sai cả về quy mô, hướng tiến công, thời gian và cách đánh. Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng với Bộ tư lệnh chiến dịch luôn theo dõi, bám nắm tình hình để có nhận định, đánh giá đúng về địch và thực hiện cách đánh hiệu quả, kịp thời; đồng thời đưa ra những quyết sách đúng đắn, chỉ đạo các lực lượng đánh bại ý đồ chiến thuật của địch. Khi thấy hướng chủ yếu La Vang - Quảng Trị chưa đủ điều kiện để đánh lớn theo kế hoạch, nếu cứ chờ đủ điều kiện thì địch càng củng cố phòng thủ, gây bất lợi cho ta, đồng chí Văn Tiến Dũng đã kịp thời đề nghị và được Quân ủy Trung ương đồng ý chuyển hướng chủ yếu sang đánh Đông Hà - Ái Tử, còn La Vang - Quảng Trị chuyển thành hướng phối hợp chia cắt chiến dịch. Đây là quyết định rất sáng tạo và đúng đắn của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng.

Sau khi làm chủ được thị xã Quảng Trị, thực hiện phương thức tác chiến mới, để đánh lại cuộc phản công quy mô lớn của địch, đồng chí Văn Tiến Dũng đã kịp thời chỉ đạo Bộ tư lệnh chiến dịch ngừng tiến công và bàn phương hướng nhiệm vụ tiếp theo của chiến dịch, động viên cán bộ, chiến sĩ các binh chủng giữ vững quyết tâm, kiên quyết bảo vệ thành quả đã giành được.

Nhìn lại toàn bộ cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên hướng chủ yếu Trị - Thiên. Bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, ta đã đập tan nhiều tuyến phòng thủ của địch từ ngoài vào trong, tổ chức đánh địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng. Cuộc tiến công chiến lược Trị - Thiên năm 1972 làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch theo hướng có lợi cho ta, làm cho quân chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa - xương sống của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ suy yếu nghiêm trọng.

Với sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên 1972 đã minh chứng lực lượng chủ lực của ta không chỉ giữ được thế chủ động tác chiến trên từng khu vực quan trọng mà còn cho thấy ta hoàn toàn giành lại quyền chủ động chiến lược để mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn trên chiến trường miền Nam.

Thiếu tá, ThS HỒ NHẬT VŨ (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)