Đêm 10-11-1965, Lữ đoàn Bộ binh 3 của Mỹ triển khai lực lượng thành hai cụm quân ở Bàu Bàng (trên Quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Lộc Ninh, Bắc thị xã Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương). 22 giờ ngày 11-11, quân Mỹ bất ngờ thay đổi bố trí lực lượng, trong đó cụm 1 (2 tiểu đoàn) chuyển về bãi đất trống phía Tây Nam Bàu Bàng, cụm 2 (1 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn thiết giáp và 1 đại đội pháo 105mm cùng sở chỉ huy Lữ đoàn 3) chuyển lên khu vực rừng cao su sát Quốc lộ 13. Tiểu đoàn còn lại và 1 chi đoàn thiết giáp đóng ở phía Nam ấp chiến lược Đồng Sổ (cách Bàu Bàng hơn 1km về phía Nam), nhằm chuẩn bị phối hợp với ngụy quân Sài Gòn mở cuộc hành quân càn quét vùng giải phóng để giải tỏa và tiếp tế cho Dầu Tiếng.

Nắm được ý định của địch và nhận thấy đây là thời cơ để ta tiến công khi chúng đang trong trạng thái trú quân dã ngoại. Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng Sư đoàn Bộ binh 9 tập kích quân địch ở Bàu Bàng, trận then chốt mở đầu chiến dịch. Sư đoàn huy động toàn bộ lực lượng đánh tiêu diệt cả hai cụm quân Mỹ. Theo kế hoạch, rạng sáng 12-11, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1) nổ súng phá vỡ tuyến công sự vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ ở phía Tây cụm 1. Tiếp đó, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 2) tiến công cụm 2, chọc thủng đội hình bố trí của địch. Bị đánh bất ngờ, địch tổ chức lực lượng cơ giới ngăn chặn. Bộ đội ta nhanh chóng bám sát, thọc sâu, chia cắt, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh của binh hỏa lực từ chính diện với vu hồi vào bên sườn đội hình quân địch. Nét đặc sắc trong trận đánh này là ngay từ đầu ta đã sử dụng Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 2) nhanh chóng chia cắt giữa hai cụm quân địch, khiến chúng không thể chi viện, hỗ trợ cho nhau. Đại đội 11 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2) hiệp đồng chặt chẽ với Trung đội 2 (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1) nhanh chóng thọc sâu đánh sở chỉ huy và trận địa pháo của địch, khiến chúng rối loạn, tạo điều kiện cho các hướng, mũi phát triển tiến công thuận lợi. Các đơn vị coi trọng diệt xe tăng, xe thiết giáp của địch, khiến chúng mất chỗ dựa để ngăn chặn ta.

Sư đoàn 9 làm lễ tuyên thệ diệt địch trong Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (tháng 11-1965). Ảnh tư liệu 

Với việc sử dụng lực lượng hợp lý và vận dụng nghệ thuật bám sát, đánh gần, đan xen mưu trí, linh hoạt, ta đã hạn chế được chỗ mạnh của địch, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, ta làm chủ khu vực Bàu Bàng, kết thúc trận đánh. Trận Bàu Bàng là trận then chốt mở đầu thắng lợi, tạo tiền đề cho chiến dịch phát triển thế tiến công mạnh mẽ.

Sau trận then chốt mở đầu, Bộ tư lệnh Chiến dịch điều chỉnh lại lực lượng, hình thành thế trận xung quanh quận lỵ Dầu Tiếng, sẵn sàng đánh trận then chốt tiếp theo. Ngày 26-11-1965, Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5 của ngụy quân Sài Gòn từ làng 14 di chuyển đến làng 18, đóng quân dã ngoại ở các làng 8, 6 (cách Dầu Tiếng 5km). Bộ tư lệnh Chiến dịch chỉ thị Trung đoàn 1 (Sư đoàn Bộ binh 9) gồm 3 tiểu đoàn (1, 2, 3), được tăng cường 2 đại đội đánh địch. Trong đó, Tiểu đoàn 1 có nhiệm vụ tiến công địch từ Nam sang Đông làng 8, hình thành thế bao vây địch. Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu, tiến công địch từ Đông sang Tây làng 6. Tiểu đoàn 3 đánh địch từ Bắc xuống Nam làng 6.

5 giờ sáng 27-11, các đơn vị tham gia trận đánh được lệnh nổ súng. Sau một thời gian chiến đấu, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, buộc địch phải rút về tuyến 2 phòng ngự. Sau đó, quân ta tiến vào trung tâm, địch ngoan cố chống cự và tổ chức lực lượng phản kích. Các đơn vị kịp thời đánh chặn và điều chỉnh thế tiến công địch. Sau khi củng cố thế trận, ta thực hiện đánh chia cắt, đánh gần, tiêu diệt địch, đến 12 giờ ngày 27-11, bộ đội ta tập kích sở chỉ huy và 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 7, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ hai, đồng thời kết thúc Chiến dịch.

Nét nổi bật về nghệ thuật trong Chiến dịch Bàu Bàng-Dầu Tiếng là ta tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt để đánh thắng hai trận then chốt. Với trận Bàu Bàng, lần đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, ta sử dụng lực lượng quy mô sư đoàn thiếu, tập kích ban ngày vào đối tượng tác chiến mới là quân Mỹ tạm dừng. Với việc bám sát, đánh gần, đan xen mưu trí, linh hoạt, ta đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn (thiếu), mở ra khả năng ta có thể tiêu diệt từng đơn vị lớn quân Mỹ. Đối với trận Dầu Tiếng, ta sử dụng một trung đoàn được tăng cường 2 đại đội, đánh địch khi chúng chưa kịp củng cố công sự, thực hiện bao vây, chia cắt, đánh gần, tiêu diệt từng cụm quân địch; đánh thiệt hại nặng một trung đoàn ngụy quân Sài Gòn. Thắng lợi của hai trận then chốt bước đầu làm phá sản ý đồ chiến lược “tìm diệt” của quân Mỹ trên địa bàn xung quanh Sài Gòn.

NGỌC SƠN