Đêm 10-5-1965, ta nổ súng tiến công Chi khu quân sự Phước Bình và chiếm một góc thị xã Phước Long. Trận then chốt mở đầu chiến dịch thắng lợi như dự kiến. Sáng 11-5, địch dùng máy bay lên thẳng đổ bộ 1 tiểu đoàn xuống phía bắc thị xã Phước Long, đưa 2 tiểu đoàn xuống phía nam thị xã Phước Bình. Ta rút khỏi Chi khu quân sự Phước Bình để cho địch chiếm lại, trong khi ta vẫn duy trì áp lực ở thị xã Phước Long để nhử địch từ Phước Bình lên. Đúng dự kiến, chiều 11-5, địch dùng trực thăng “bốc” 1 tiểu đoàn từ Phước Bình lên Phước Long và 1 tiểu đoàn tiến theo đường bộ lọt vào trận địa phục kích của ta. Ở tình huống này ta đã thành công với nghệ thuật câu viện bằng đánh đòn tiêu diệt một mục tiêu rắn chắc là chi khu quân sự địch, trụ bám một góc thị xã, sau đó rút bỏ, làm cho viện binh địch chủ quan khi tiến công giải tỏa thị xã.
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị trinh sát Trung đoàn 2 trước khi bước vào trận đánh Đồng Xoài đêm 9-6-1965. Ảnh tư liệu
Đợt 2 (từ ngày 9 đến 20-6-1965), Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền xác định khu vực địch quyết giữ là Chơn Thành, Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long (An Lộc) và Bù Đốp; trong đó, ta xác định Đồng Xoài là một mắt xích quan trọng của tứ giác Chơn Thành - Đồng Xoài - Phước Long - Bình Long, nằm trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài ở phía bắc Sài Gòn, một vị trí có giá trị khống chế các đường giao thông huyết mạch nối liền miền Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên và Đông Bắc Cam-pu-chia, căn cứ xuất phát trong các cuộc hành quân càn quét đánh phá các căn cứ của ta dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Vì vậy, ta quyết định chuyển hướng tiến công xuống khu vực Đồng Xoài, tạo lập thế trận, lấy tiêu diệt Chi khu quân sự Đồng Xoài là trận then chốt trong đợt 2 chiến dịch. Đêm 9-6, Trung đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 8 (Trung đoàn 3) tiến công tiêu diệt chi khu Đồng Xoài, Thuận Lợi, Phú Riềng. Trận Đồng Xoài, trận then chốt tiếp theo của chiến dịch đã giành thắng lợi. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu của chiến dịch và gây tiếng vang lớn.
Đợt 3 (từ ngày 24-6 đến 22-7-1965), ta phân tán lực lượng đánh địch trên Đường 13, đồng thời sử dụng lực lượng lớn đánh điểm, diệt viện ở Bù Đốp. Trên hướng Đường 13, Trung đoàn 2 chuyển xuống phía nam tổ chức tập kích một chiến đoàn hỗn hợp địch ở khu vực Bàu Bàng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên. Trên hướng Bù Đốp, Trung đoàn 3 tiến công trại huấn luyện biệt kích và Chi khu Bù Đốp, diệt 2 đại đội, buộc địch phải rút bỏ cứ điểm Bù Gia Mập, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân địa phương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh du kích ở hướng bắc Sài Gòn. Sau hơn 2 tháng tiến công giành thắng lợi to lớn và nhận thấy quân địch co vào thế phòng thủ, ngày 22-7-1965, ta chủ động kết thúc chiến dịch.
Qua 3 đợt chiến dịch, cùng với thành công nghệ thuật tổ chức và thực hành đánh trận then chốt, chiến dịch còn thành công về nghệ thuật chọn địa bàn chiến dịch; nghệ thuật vận dụng cách đánh chiến dịch sáng tạo; nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp; nghệ thuật vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật. Về địa bàn ta chọn các tỉnh Phước Long, Bình Long, một phần phía bắc tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và Bà Rịa... Phần lớn là rừng núi, đồn điền cao su rậm rạp kín đáo, nhiều khe suối, có một số khu vực đồng ruộng xen kẽ các trảng trống, bưng sình, một số trục đường giao thông 13, 14, 1A, 309, 310, có tính chất độc đạo, cây cối kín đáo ra tận mép đường tiện cho ta cơ động lực lượng, trú ém quân, phục kích đánh giao thông. Địa bàn này ta có các cứ hậu cần xây dựng từ lâu, chiến tranh nhân dân phát triển, quần chúng giác ngộ, có một tiểu đoàn địa phương tại chỗ quen thuộc chiến trường, có kinh nghiệm tác chiến. Trong chiến dịch Đồng Xoài, ta thực hiện cách đánh “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính. Kế hoạch của ta đánh tiêu diệt Chi khu quân sự Phước Bình và đột nhập, trụ lại một phần thị xã Phước Long để diệt viện binh của địch trên Đường số 2 (đoạn từ Phước Bình lên Phước Long). Đặc biệt ở đợt 2, ta chủ động tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, cơ động linh hoạt, liên tiếp thực hiện thành công 2 trận then chốt chiến dịch. Khi tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, có hỏa lực mạnh, ta chuẩn bị sẵn các phương án, lực lượng và thế trận, chỉ đạo vận dụng linh hoạt cách đánh, bố trí lực lượng thích hợp có trọng điểm, có hướng chính, hướng phụ, hướng bổ trợ và bao vây, đồng thời có lực lượng dự bị mạnh sẵn sàng sử dụng vào hướng chủ yếu. Do đó, trong quá trình tiến công, ta đã phân tán được một phần hỏa lực và sự đối phó của địch ở nhiều hướng, nhiều mũi, tạo được thời cơ tốt cho các đơn vị tiến công liên tục, tiêu diệt từng mục tiêu, đánh chiếm từng trận địa công sự địch, góp phần quan trọng cho thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ