Trong chiếc tủ gỗ cũ đựng quần áo của ông bà, có nhiều ngăn để tấm chăn xanh đã bạc màu, loại chăn mà ông đi bộ đội được phát. Tôi không chắc đó là những bộ đồ mà ông bà tôi đã mặc ngày còn thanh xuân, tôi chỉ cảm nhận vai áo đã sờn, đường kim mũi chỉ chắp vá và đâu đó là hơi ấm của ông tôi, bà tôi còn vương vấn.
 |
Ông bà nội của tác giả. Ảnh tư liệu gia đình
|
Tôi khẽ bê chiếc hộp gỗ xuống và từ từ mở ra. Những kỷ vật hiện ra như một cuốn phim tua chậm, đan xen giữa các mốc thời gian. Bởi không thể xâu chuỗi được từng giai đoạn mà ông bà tôi đã sống một cách chính xác, tôi chỉ có thể cảm nhận qua những tấm bằng khen mang tên ông Vũ Hữu Dịch, xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ, với nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khi ông dành cả cuộc đời mình trong quân ngũ thì bà nội chính là chân dung điển hình về hình ảnh người vợ bộ đội. Tình yêu của bà vẹn nguyên trong sự trân quý, gìn giữ mọi ký ức, kỷ vật của gia đình, của người chồng, tình nghĩa, dẫu năm tháng sống gần nhau vỏn vẹn chẳng được là bao. Nhìn những tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, tôi thầm cảm ơn bà đã luôn là người đứng phía sau ông tôi. Để ông ra trận chinh chiến và để lại cho đời, cho con cháu, cho thế hệ sau của gia đình những điều thiêng liêng.
Thế hệ tôi lớn lên trong hòa bình, chỉ được biết về chiến tranh qua sách vở, phim ảnh và lời kể của thế hệ đi trước. Nếu không có những kỷ vật của ông, nếu không được chạm đến vết tàn phai huy hoàng của thời gian, chắc hẳn khó hình dung hết những anh dũng hy sinh của thế hệ cha ông. Có những anh hùng không tên, có những chiến công ghi lòng tạc dạ bằng nước mắt của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, của những người vợ mất chồng, những người anh em mất nhau... Điều mà ông để lại cho chúng tôi là tài sản vô hình, sự gợi nhắc về tấm lòng son, kiên trung, trọn đời, hiến dâng cho non sông, Tổ quốc.
Đến phút cuối đời, ông tôi có một ước nguyện là thăm lại chiến trường xưa nhưng rồi thời gian không cho phép. Với những gì ông để lại, đã cho tôi một niềm thôi thúc. Cuối cùng, sau rất nhiều năm tháng, tôi đã tìm đến nơi mà ông tôi hằng mong đến: Ngã ba Đồng Lộc, nơi có những cô gái thanh niên xung phong quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; Đường Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đứng trước anh linh các liệt sĩ, đứng trước hàng nghìn hàng vạn tấm bia mộ mang tên và chưa biết tên, nơi những người đồng chí, đồng đội của ông tôi nằm lại, tôi thắp một nén tâm nhang, cúi đầu trước tất cả!
Những điều ông tôi để lại không chỉ là biểu trưng của kỷ vật mà còn hướng tâm tôi đến với những miền sâu thẳm của tâm hồn mình, đó là: Nguồn cội, lòng biết ơn. Khi đặt bút viết những dòng này, tôi thành tâm nghiêng mình cảm tạ, vì những điều ông tôi đã để lại, về những điều thế hệ đi trước đã hy sinh để thế hệ tôi thêm một lần nữa được sống, được yêu thương trong khát vọng hòa bình, nhân ái.
VŨ HỒNG PHƯƠNG