Đầu năm 1973, ông Lê Đại Cương được điều chuyển từ đơn vị thông tin sang tham gia huấn luyện tên lửa A72 ở Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 237, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nay là Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ. Đến tháng 4-1975, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 172 được cấp trên điều động phối thuộc cho các quân đoàn chiến đấu. CCB Lê Đại Cương nhớ lại: “Sớm 14-4-1975, đồng chí tiểu đoàn trưởng gặp tôi rồi hỏi: “Đồng chí có đi chiến đấu được không?”. Nghe xong, tôi trả lời dứt khoát: “Đó là niềm mơ ước bấy lâu, tôi sẵn sàng lên đường”.

Cựu chiến binh Lê Đại Cương (thứ hai, từ phải sang) gặp mặt đồng đội tham gia giải phóng miền Nam. 

Trước tinh thần quả cảm đó, tiểu đoàn trưởng dang rộng vòng tay ôm thân ái chiến sĩ Cương, đồng thời động viên: “Nơi chiến trường nhiều gian khổ, hiểm nguy. Tôi chúc đồng chí luôn vững vàng ý chí, vượt mọi khó khăn, lập nhiều chiến công, giết được nhiều quân giặc đang tàn phá Tổ quốc”. Ngay tối hôm đó, ông Cương được đưa đến sân bay Gia Lâm để bay vào Đà Nẵng. Tiếp đó, ông được biên chế về Đại đội 15, Tiểu đoàn 6, Sư đoàn Phòng không 673, Quân đoàn 2 (nay là Lữ đoàn Phòng không 673, Quân đoàn 2).

Ngày ấy, chặng đường hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vô cùng vất vả. Toàn Sư đoàn 673 vừa hành tiến vừa chiến đấu với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Tuy là một trong những chiến sĩ mới vào chiến trường nhưng ông Cương luôn gắng hết sức mình, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thổi cao khí thế thi đua hừng hực với khẩu hiệu: “Đi nhanh bám sát đội hình/ Phát huy hỏa lực ta giăng lưới trời/ Máy bay địch phải bắn rơi/ Lập công dâng Bác, đẹp trời tháng Năm” của Đại đội 15.

Có những đêm chiến sĩ Lê Đại Cương cùng đồng đội phải thức làm công sự trận địa hoặc triển khai đội hình chiến đấu ngay trên đường hành quân tiêu diệt địch. Ông Cương nhớ lại: “Khi đơn vị hành quân đến Điện Bàn, trong lòng tôi thấy rất nhớ nhà, nhớ quê. Bởi quê hương tôi ở Điện Bàn (Quảng Nam), sau đó, tôi được tập kết ra miền Bắc học ở Hải Phòng và học trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Thái Nguyên). Chiến tranh chia cắt, tôi không biết bà nội tôi giờ như thế nào, còn sống hay đã mất? Nỗi nhớ quê nhà da diết thôi thúc tôi lên gặp chỉ huy đơn vị và xin phép được ghé thăm nhà”.

Được sự đồng ý của chỉ huy, ông Cương chạy như bay, tranh thủ từng giây, từng phút để về nhà bà nội. Bà nội của ông lúc đó đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều. Sau gần 20 năm gặp lại, bà cháu ôm nhau mắt rưng rưng. Đứa cháu nội giờ đã là một chiến sĩ trong đội hình Quân Giải phóng. Thương cháu vô cùng, bà căn dặn cháu cố gắng theo đồng đội chiến đấu, ra đi "chân cứng đá mềm". Nói đến đấy, nước mắt bà lại trào ra. Người chiến sĩ nghe lời căn dặn, thấy thương bà nội nhiều hơn, mong bà mạnh khỏe, đất nước hòa bình, thống nhất để được về thăm quê. Sau giây phút gặp gỡ ngắn ngủi gần 20 phút, ông lại lên đường trở về đơn vị.

Ngày 17-4-1975, đơn vị đến khu vực cầu Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Ông Cương cùng một tiểu đội được giao làm nhiệm vụ canh trực máy bay bảo vệ đội hình đơn vị. Giữa trưa, một tốp máy bay F-5 từ hướng biển bay vào. Cả tiểu đội canh trực đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khi máy bay địch đến gần, chớp thời cơ, ông bình tĩnh vác trên vai tên lửa A72 ngắm bắn. Một quầng lửa sáng bừng, tiếng nổ vang cả bầu trời, một chiếc máy bay địch bị tiêu diệt. Đồng đội reo hò: “F-5 bị bắn hạ rồi!”. Lúc đó có hai nữ dân quân vai đeo súng, thấy máy bay địch bị bắn hạ, không biết ở đâu cũng ra tận nơi tiểu đội canh trực hỏi thăm và ôm chầm lấy ông Cương hô lên: “Anh bắn chi mà hay vậy!”. Ông hồ hởi nói rằng: “Anh tập trung cao độ quyết tâm tiêu diệt máy bay địch...”.

Khí thế tiến công thắng lợi đã cổ vũ bước chân bộ đội thần tốc tiến về sào huyệt cuối cùng của địch. Ngày 18-4, đơn vị tiến quân đến căn cứ Nước Trong. Từ ngày 26 đến 28-4, đơn vị tiếp tục bắn rơi 4 máy bay địch. Ngày 29-4, đội hình tiến đến Đồng Nai. Sáng 30-4, đơn vị tiến vào Sài Gòn. Tại đây, ông Cương gặp lại những đồng đội ở đơn vị cũ. Họ ôm nhau trong niềm vui chiến thắng hân hoan.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM