Đó là ngày 20-1-1954, tôi rời ghế nhà trường để lên đường. Hơn một tháng đi bộ qua Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La đến một địa điểm “Rừng Vàu” thuộc tỉnh Lai Châu. Ngày 3-3-1954, tôi may mắn được chuyển sang bộ đội, hành quân về Phú Thọ để huấn luyện tân binh. Vậy là ước mơ được cầm súng đánh giặc của tôi đã thành hiện thực. Trên đường hành quân, tôi hãnh diện khi được mang khẩu súng trường MAS dài bằng người, vừa hành quân vừa học chính trị. Chúng tôi quên tất cả mệt nhọc, gian khổ, chỉ nghĩ làm sao được nhanh chóng ra chiến trường. Thời gian huấn luyện 7 ngày, chủ yếu là tập bắn súng, đào công sự, lăn lê bò toài.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã nổ súng, ai cũng nô nức muốn được tham gia. Chúng tôi hành quân lên Điện Biên Phủ, qua đèo Pha Đin, đi cấp tốc cả ngày lẫn đêm. Trên đường đi, vừa gian khổ, vừa ác liệt vì bom đạn địch, nhưng ai cũng vui. Dân công, bộ đội khí thế hừng hực; từng dòng người, ô tô, xe đạp đổ về chiến trường Điện Biên Phủ. Thỉnh thoảng lại gặp bộ đội ta giải từng tốp tù binh đi ngược chiều về tuyến sau. Chúng tôi phấn chấn bảo nhau: “Đi nhanh lên kẻo chiến dịch kết thúc thì mình đến chỉ nhặt vỏ hộp”.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Đức Huyến.  

Qua 10 ngày hành quân, sáng 30-3-1954, chúng tôi đã có mặt ở tuyến 2 của Mặt trận Điện Biên Phủ, nghỉ một ngày, rồi sau đó được bổ sung về đơn vị chiến đấu. Tôi được về Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12). Tối hôm đó, chúng tôi về đến căn cứ của đơn vị là một khu vực ở phía Bắc cứ điểm Him Lam. Mọi sinh hoạt, ăn ở, đi lại đều dưới hầm hào, tất cả mọi thứ đều xa lạ, mới mẻ, bỡ ngỡ, gian khổ. Đại đội 58 của tôi là đơn vị chủ công đã đánh vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954, trận mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 1-4, Đại đội 58 lên tập hợp ở đồi Him Lam để một số tân binh làm quen địa hình và chiến trường.

Đứng trên đồi Him Lam thấy được khu vực Mường Thanh, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy trận địa địch, chiến hào, lô cốt, hàng rào dây thép gai. Ngay lúc đó, một chiếc máy bay ném bom B24 của địch bị cao xạ ta bắn rơi dưới chân đồi Him Lam, cạnh Đường 41. Anh em chúng tôi mừng quá, đứng lên reo hò. Đúng lúc đó, pháo địch ở Mường Thanh bắn vào Him Lam, Đại đội tôi phải rút về căn cứ. Tối đến, chúng tôi lại đi đào giao thông hào ở phía Bắc sân bay Mường Thanh. Trời tối đen như mực nhưng thi thoảng có pháo sáng của địch nên ai cũng quan sát thấy cả trận địa. Trên bãi cỏ bằng phẳng, mọi người đều nằm xuống, đầu người sau chạm chân người trước, theo dây dù trắng do lính trinh sát giăng sẵn hướng vào đồn địch. Ai cũng phải đào thật nhanh để có chỗ tránh đạn bắn thẳng của địch, lúc đầu nằm đào rồi sau đó quỳ đào. Một quả pháo địch rơi đúng đội hình phía trước tôi, một số đồng chí thương vong nhưng không ai dao động, sợ hãi mà lại càng đào nhanh hơn. Khi đã thành đường hào sâu khoảng 60cm thì đội hình tiến về phía trước để cho đơn vị sau dồn lên.

Càng vào gần cứ điểm địch thì càng ác liệt hơn, nhưng chủ yếu là đạn thẳng, còn pháo cối của địch không còn tác dụng nữa. Đến khi giao thông hào đã vào cách cứ điểm địch khoảng 50m, đơn vị để lại một tổ chốt giữ, số còn lại rút về căn cứ nghỉ ngơi. Thế là ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, chiến hào của ta đã cắt qua sân bay tạo thành những mũi tiến thẳng tới các cứ điểm, khống chế sân bay Mường Thanh của địch.

Liên tục từ đó chúng tôi phòng ngự, chốt giữ, khống chế phía Bắc sân bay Mường Thanh, tạo bàn đạp và chi viện cho đơn vị bạn đánh chiếm các cứ điểm xung quanh. Chiều 7-5-1954, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 mở cuộc tiến công cứ điểm gần cầu Mường Thanh; địch kéo cờ trắng ra hàng. Tiếp sau là Đại đoàn 316 tiến đánh cứ điểm cuối cùng che chở cho sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Thế của ta như nước vỡ bờ, bộ đội ta đánh tới đâu, cờ trắng của địch xuất hiện tới đó. Nhiều toán địch từ các chiến hào lũ lượt kéo ra nộp vũ khí. 17 giờ 15 phút ngày 7-5-1954, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến tới sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 phút, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu địch bị bắt. Chúng tôi cũng được lệnh tiến vào sở chỉ huy địch để áp giải tù binh.

Không có gì vinh dự, tự hào hơn khi trong tư thế của người chiến thắng, tôi với dáng người nhỏ bé nhưng hai tay cầm chắc khẩu súng trường MAS lê tuốt trần đi áp giải những tên địch to cao, râu ria bờm xờm, ngoan ngoãn đi theo hướng dẫn của mình. Suốt đêm 7-5, chúng tôi áp giải tù binh đi theo Đường 41 về cây số 70 để giao cho tuyến sau...

Đại tá NGUYỄN ĐỨC HUYẾN (Nguyên chiến sĩ Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan