Đồng chí Đặng Đình Thuật (sinh năm 1933), quê ở thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 31-8-1951, đồng chí Thuật khi ấy 18 tuổi đã mang nhiệt huyết và sức trẻ của mình hăng hái gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Pháp, lên đường phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đồng chí đã nhập ngũ tại đơn vị Đội 38 thanh niên xung phong Trung ương, Liên phân Đội thanh niên xung phong 307 Trần Phú, chức vụ Trung đội trưởng. Năm 1954, đồng chí Thuật đóng quân tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

leftcenterrightdel
 Áo trấn thủ của cựu thanh niên xung phong Đặng Đình Thuật.

Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, đồng chí Đặng Đình Thuật cùng đơn vị Liên phân Đội thanh niên xung phong 307 Trần Phú đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ phục vụ chiến đấu từ Chiến dịch Uông Bí - Quảng Hồng, Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 8-11-1954, đồng chí Thuật bị bệnh đau lưng biến chứng không thể tiếp tục công tác lao động được. Do đó, Ban Chỉ huy Đội 38 TNXP Trung ương đã làm thủ tục xuất ngũ và giới thiệu đồng chí Thuật về địa phương (Yên Phong, Bắc Ninh) công tác, điều trị và sinh sống.

Đến thăm Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, chúng tôi xúc động khi được nhìn ngắm những hiện vật ông trao tặng cho bảo tàng. Vỏ bao đựng gạo của ông tự khâu bằng vải làm thành hình chiếc ruột ngựa dài để đựng gạo quấn quanh bụng, trong lúc phục vụ chiến đấu, dừng chân tại bất kỳ nơi nào cũng có gạo để nấu cơm. Có thể thấy rõ, trên chiếc vỏ bao đựng gạo, những vết vá, vết thủng, vết sờn xuất hiện nhiều lỗ. Đối với chúng ta ngày nay, vẫn thường chỉ coi đó là "chiếc giẻ" hay vật dụng không còn hữu ích, nhưng đối với ông Thuật cũng như những người lính, thanh niên xung phong trong thời kỳ chiến tranh mưa bom bão đạn, phải chắt chiu từng mảnh vải thừa để tận dụng thì đó lại là vật dụng quý giá.

leftcenterrightdel
 Vỏ bao đựng gạo. 

Cũng giống như vậy, trong số những vật dụng mà ông Thuật gửi tặng lại bảo tàng, có vật dụng giải quyết nhu cầu "áo mặc" là chiếc áo trấn thủ - chiếc áo chống rét gắn liền với hình ảnh của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong trong thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Chiếc áo trấn thủ làm vải, phía trong được lót bằng bông, may cắt tay theo kiểu áo ba lỗ, họa tiết khâu hình ô quả trám đặc trưng. Hiện tại, chiếc áo của ông Thuật đã phần nào bị xuống màu sậm lại, những vết sờn trong quá trình sử dụng được thấy rõ; đặc biệt, ở phía sau lưng áo có một vết thủng to trong quá trình làm nhiệm vụ.

Trước khi trao tặng cho bảo tàng, hai hiện vật được ông nâng niu cất giữ cẩn thận ở nhà. Bởi theo ông đây là kỷ vật vô giá, là bạn đồng hành giúp ông vượt qua gian khó, thời tiết khắc nghiệt của những ngày tháng làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm… ở các nhà ga, bến phà, đầu cầu, các trọng điểm… dưới những trận bom rơi, bão đạn khốc liệt. Khi trở về thời bình, mỗi khi gặp khó khăn, ông lại ngắm nhìn hiện vật và chúng như truyền cho ông nguồn sức mạnh tinh thần để vượt gian khó. Vỏ bao đựng gạo, chiếc áo trấn thủ của ông Đặng Đình Thuật tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại giải quyết "cơm ăn - áo mặc" của những người tham gia kháng chiến cứu quốc. Ở thời điểm đất nước thiếu thốn trong thời chiến, những vật dụng ấy được người lính, thanh niên xung phong trân quý và gìn giữ đến thời hậu chiến.

Thông qua những hiện vật được trao tặng, mỗi trong số chúng đều mang một câu chuyện riêng về cuộc đời của người lính nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung qua mỗi giai đoạn kháng chiến; từ ấy nhắc nhớ cho chúng ta phải biết trân trọng và gìn giữ độc lập, hòa bình và nỗ lực hết mình để noi gương những anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền bối cách mạng đã cống hiến cho đất nước.

NGÔ TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.