Tháng 12-1953, Đội Văn công Đại đoàn 308 được lệnh lên đường đi chiến dịch. Ai nấy đều náo nức chuẩn bị hành trang, tranh thủ tập thêm một số tiết mục để vừa đi đường, vừa biểu diễn động viên bộ đội. Họ hành quân từ Thái Nguyên qua đèo Khế sang Tuyên Quang, vượt sông Lô sang Yên Bái, tiếp tục vượt sông Hồng, sông Đà ngược đường lên Tây Bắc.

Lúc này cả đội mới chính thức được biết về nhiệm vụ của đơn vị là tham gia Chiến dịch Trần Đình, khi đến địa điểm tập kết mới biết đó là mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội Văn công hành quân trong đội hình các đơn vị chiến đấu của Trung đoàn Thủ Đô. Để phục vụ bộ đội trên chặng đường dài, cứ mỗi đêm hành quân, Đội Văn công lại chia lẻ ra từng tổ từ một đến hai người đi cùng một tiểu đội chiến đấu; đến chặng nghỉ mới về tập trung. Sáng ra ai ai cũng dậy sớm, đào hầm tránh máy bay và tranh thủ tập tiết mục để chiều đến lại phân tán xuống các đơn vị chiến đấu.

Cứ như thế cuộc hành quân kéo dài đêm này qua đêm khác trên chặng đường từ Thái Nguyên tới Điện Biên Phủ. Mỗi khi bộ đội được lệnh dừng chân nghỉ, mọi người lại cùng các chiến sĩ hát vang bài "Qua miền Tây Bắc" của nhạc sĩ Nguyễn Thành.

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Nguyễn Thành - tác giả ca khúc "Qua miền Tây Bắc". Ảnh tư liệu

Vào chiến dịch, Đội Văn công biểu diễn phục vụ các đơn vị của đại đoàn thường là vào ban ngày vì ban đêm không được đốt lửa. Khi thì vào các lán thương binh hát, khi thì phục vụ dân công. Dân công rất vui nhộn, người người gánh gạo, đạn dược, hàng đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Phú Thọ lên, ai cũng hò "a li hò lờ" rất say sưa. Chuẩn bị tổng công kích, bộ đội đào hào giao thông cắt sân bay Mường Thanh để đánh lấn vào Sở chỉ huy của địch. Đội văn công lại bám sát phục vụ bộ đội, ban ngày ở hầm trú ẩn, dưới lùm cây thì hát, ban đêm, đi theo bộ đội đào hào cũng hát hò, đọc thơ ca.

Trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch, một số thành viên trong Đội Văn công được giao nhiệm vụ thêu lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" cho đơn vị. Họ chỉ được giao một mảnh vải đỏ, còn các nguyên liệu khác phải tự lo. Thật nan giải, giữa rừng đại ngàn, lấy đâu ra những thứ đó? Nhưng "trong cái khó đã ló cái khôn". Vậy là anh chị em bàn cách lấy cuộn băng cứu thương cá nhân nhuộm vàng bằng thuốc chống sốt rét giã nhỏ hòa với nước rồi tước những sợi dọc ra làm chỉ thêu màu vàng, còn ngôi sao vàng và chữ "Quyết chiến, quyết thắng" thì lấy giấy báo cắt làm ruột, cuộn băng vàng cắt theo rộng hơn rồi gập lại khâu lặn mũi.

Thế là ngôi sao và dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng" màu vàng tươi hiện lên trên nền cờ đỏ. Còn tua cờ thì sao? Các anh chị trong đội văn công đã lấy ruột dây dù mà bộ đội cho văn công đan võng làm tua... Rồi lá cờ đã kịp thời được mang ra tận chiến hào trao cho đơn vị chủ công của đại đoàn trước giờ xuất kích. Ngày 7-5-1954, tin quân ta thắng trận, tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy quân địch đã đầu hàng, làm ai ai cũng thấy vui sướng tột cùng, tất cả nhảy lên reo hò.

Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ đầy gian khổ, nhờ có những bài hát, câu thơ, điệu múa, vở kịch của Đội Văn công như liều thuốc tinh thần động viên anh em thương binh, góp phần làm cho bước chân hành quân của đồng đội bớt mệt mỏi.

ĐỨC THUẬN (Lược trích theo cuốn "Âm vang Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.