Những tù binh này được Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối xử tử tế. Họ được cứu chữa tận tình, được cung cấp cơm ăn, áo mặc và được chăm sóc chu đáo.

Cảm phục, sung sướng được làm tù binh theo đúng nghĩa

Trong trang cảm tưởng của mình, Pierre Voinot - tù binh Trại 41 cho biết ông và những người lính khác đã rất suy sụp và hoảng sợ khi bị bắt. “Sự e sợ về những gì đang chờ đón chúng tôi từ phía bên kia có thể đọc được trong từng đôi mắt: Tự do đã mất. Sự khắc nghiệt của khí hậu. Đói khát và những đối xử tồi tệ”.

Nhưng, những tháng sau đó, trong những ngày lưu trú ở Trại giam 41, Pierre Voinot cùng một vài người bạn đã lấy lại được nghị lực sống. Và khẳng định rằng, “trải qua được bốn tháng giam cầm trong những điều kiện dường như khó có thể tìm được tốt hơn ở vị trí của chúng tôi”.

Trong thời gian trong Trại giam 41, Pierre Voinot tận mắt chứng kiến, và khâm phục những tấm gương, nghị lực phi thường của nhân dân Việt Nam. “Tôi không hề muốn che giấu tình cảm khâm phục mà tôi cảm thấy khi nhìn những con người này, cả nam lẫn nữ, làm việc hầu như thiếu rất nhiều những thứ cốt yếu. Những người trẻ tuổi đáng khâm phục này trong chiến đấu, trong lao động đều làm tôi ngạc nhiên”.

Khi được ra khỏi trại giam, Pierre Voinot bày tỏ lòng biết ơn của mình tới những cán bộ và chiến sĩ ở trại, và “…chúc họ cùng toàn thể gia đình may mắn và có được sự đền bù xứng đáng cho những cố gắng của họ”.

leftcenterrightdel

Áp giải tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Trong những dòng cảm tưởng được  viết trước khi rời Việt Nam, Canus Claude khẳng định: “Tôi đã sung sướng được làm tù binh theo đúng nghĩa, bởi vì tù binh đương nhiên không có cuộc sống của một con người bình thường. Sung sướng được làm tù binh. Tôi sung sướng vì đã mang theo mình những sự thật về đất nước Việt Nam dân chủ. Tôi sẽ vui mừng ngay khi trở về nước sẽ thông báo cho bố mẹ, bạn bè và tất cả mọi người biết những điều mà tôi suy nghĩ về một đất nước dân chủ đã được giải phóng khỏi chế độ thực dân và tư bản”.

Khi bị bắt, điều khiến Canus Claude và những tù binh khác cảm thấy bất ngờ nhất đó là việc họ không bị coi là những tội phạm chiến tranh mà như là những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, “việc coi chúng tôi như là những nạn nhân đã làm nhiều người trong chúng tôi bị sốc và điều đó thức tỉnh đầu óc của chúng tôi”.

Trong những ngày ở Trại giam số 42, Canus Claude đã trở thành người phụ trách học tập của trại. Thông qua những bài học chính trị, những cuộc thảo luận và những buổi nói chuyện, Canus Claude luôn tìm hiểu sự thật rằng liệu có phải những người Việt Nam và nước Việt Nam tự do là đối thủ và kẻ thù của họ hay không, sau đó thu thập những ý kiến của anh em trong trại và bắt đầu xây dựng một quan điểm mới và thu được những công trình nghiên cứu bổ ích.

Sau khi đình chiến, ngày trở về đất nước đã đến gần, Canus Claude khẳng định: “Nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đường lối hoà bình không thể bác được của Người để lại cho tôi một kỷ niệm tốt đẹp. Hãy ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Người trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì đây là một sự nghiệp đúng đắn...”.

Chúng tôi đã hiểu giá trị của cụm từ "độc lập của dân tộc"

Còn Binh nhì Pueye Ali đã bày tỏ vinh dự rằng từ khi bị bắt ở Điện Biên Phủ, đã được Quân đội nhân dân Việt Nam đối xử tử tế. Trên đoạn đường di chuyển đến trại giam, còn được nhân dân tiếp đón chu đáo và nhường nhà cho trú chân. Hơn nữa trong thời gian ở trại giam, nhiều cuộc vui chơi được tổ chức, phải làm việc ít, được chăm sóc, ăn ở tốt, hơn nữa còn được chăm sóc y tế, “các bác sĩ của Việt Nam là những người anh em, tất cả chúng tôi sống không có sự phân biệt”.

Trước khi rời trại, Pueye Ali cảm động vì “...nhân dân Việt Nam đã đến thăm chúng tôi và tặng cho chúng tôi quà. Cảm ơn nhân dân Việt Nam cũng như các em học sinh đã cho mỗi người chúng tôi những kỷ niệm tốt đẹp và những lời khuyên bổ ích”.

Một tù binh Pháp bị bắt ở Điện Biên Phủ thể hiện sự ngạc nhiên bởi khi tiếp xúc với nhân dân Việt Nam, nhận thấy rất nhiều người dân Việt Nam có trình độ văn hóa cao, “hầu như tất cả đều nói hoặc hiểu rất tốt tiếng Pháp”.

Khi bị bắt, người này rất sợ hãi, nhưng nỗi sợ hãi này đã nhanh chóng tiêu tan, bởi họ được biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có chính sách khoan hồng đối với các tù binh, và đây không phải là lời nói suông, bởi chính sách này được thể hiện ở chỗ: Cán bộ và Quân đội Việt Nam Dân chủ luôn sử dụng những biện pháp đúng đắn trong suốt thời gian tù binh này bị bắt, được ăn uống như chế độ của những người lính và được chăm sóc y tế. Điều đặc biệt hơn đó là nhận được sự khoan dung của người dân, “mặc dù họ phải chịu đựng những khổ đau kéo dài trong suốt 9 năm chiến tranh”. Họ nhận thấy sai lầm của nước Pháp trong việc theo đuổi cuộc chiến tranh này thông qua các buổi nói chuyện trong trại giam.

Trong giờ phút được trả tự do, tù binh này khẳng định bổn phận của mình khi được trả tự do là trở về với những người bạn cùng đấu tranh cho hòa bình và nói rằng “họ có lý khi đoàn kết với nhau và đấu tranh chống lại mọi âm mưu chiến tranh mới dù nó đến từ bất cứ đâu, bởi vì chúng tôi đã hiểu giá trị của cụm từ ‘Độc lập của dân tộc’ ".

THANH HƯƠNG (tổng hợp)

Theo cuốn “Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp” - NXB Quân đội nhân dân, 2004.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.