Đó là nhận định của Đoàn đại biểu hữu nghị quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiến Anh dẫn đầu sang thăm Điện Biên Phủ ngày 24-2-1962. Đoàn đã khẳng định: Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc quyết chiến vĩ đại trên chiến trường Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là tượng trưng cho sự thiện chiến dũng cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam... Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết thúc nhục nhã của quân đội thực dân Pháp được đế quốc Mỹ ủng hộ ở chiến trường Đông Dương”.

Tờ Thế giới tri thức (Trung Quốc) ra ngày 20-5-1954 cũng đã khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đã “chứng minh rằng một quân đội nhân dân anh hùng do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, có kinh nghiệm dày dặn, có tổ chức, có kỷ luật, lại được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ là một quân đội chỉ có chiến thắng, không thể chiến bại, một quân đội không có sức mạnh nào phá vỡ nổi...”.

Ngay chính tướng Navarre, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trong cuốn “Đông Dương hấp hối (Agonie d’Indochine)” cũng phải thừa nhận rằng: “Quân đội (quân đội Việt Minh-PV) có niềm tin mạnh mẽ, bởi vì việc giáo dục chính trị trước và trong huấn luyện quân sự đã khắc sâu vào trí não binh sĩ một niềm tin ý thức hệ vững chắc và lòng căm thù ghê gớm đối với quân thù....

leftcenterrightdel

Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Còn Đại tá Pierre Langlais, Phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong cuốn Điện Biên Phủ đã viết:“...Bộ đội Việt Minh đã chứng minh phẩm chất tốt đẹp nổi tiếng của họ và đã chiến đấu quyết liệt chưa từng có... kỷ luật chiến đấu của họ hoàn toàn chặt chẽ....

... Trận địa của họ được ngụy trang một cách tài giỏi trong rừng rậm. Kỹ thuật hỏa lực của họ hoàn toàn chặt chẽ. Quân địch bao giờ cũng chủ động khai hỏa ở cự ly rất gần, từ những công sự vô hình không để lộ các đống đất đào lên, đạn và lựu đạn trút ra từ các lỗ châu mai hẹp, sát mặt đất của các công sự này. Cuộc chiến đấu giáp lá cà xảy ra ngay tức khắc khiến ta không thể sử dụng pháo binh hoặc không quân yểm trợ”.

Đại tướng Batov (Liên Xô) cũng cho rằng: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tỏ rõ khả năng chiến đấu của quân đội cách mạng được trang bị bằng lý tưởng Marxist - Leninist và mục tiêu chiến đấu là tự do và độc lập”.

Nhà báo Mỹ G.Akenly khi viết về cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam đã ca ngợi: “Những người lính cải trang thành dân thường, bất ngờ xuất hiện khi cần thiết... Việt Minh xuất quỷ nhập thần, xuất hiện ở những nơi đông người, ở những vùng được gọi là ‘đã được bình định’ mà chẳng cần phải có một tí hoạt động quân sự phối hợp nào”.

leftcenterrightdel

Các chiến sĩ công binh đào giao thông hào xây dựng trận địa tấn công và bao vây quân địch (tháng 3-1954). Ảnh tư liệu: Btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn 

Tác giả Robert trong bài Cái vòng hận thù được viết theo lời kể của một lính Pháp thoát chết trong một trận đánh ở Điện Biên Phủ, đã rất khâm phục sự dũng cảm và sáng tạo của bộ đội ta trong chiến đấu. Tác giả viết: “Chúng ta chẳng hề biết được là người Việt đã xây công sự ngay trước mắt chúng ta. Không phải ở sườn núi bên kia mà ngay ở sườn núi bên này, đối diện với chúng ta, với đồi Độc Lập, cứ như hai chiếc ban công đối diện nhau qua một đường phố... Việt Minh là bậc thầy không ai sánh nổi về việc nghi trang. Những đơn vị thám thính của chúng ta đã tung đi khắp mảnh đất ấy song chẳng ai trông thấy gì và cũng chẳng ai gặp được cái gì. Người ta để mặc cho họ đi qua. Nhưng nếu có lực lượng xung kích nào mò đến là họ lại nện cho, bấy giờ mới biết được họ đã xây dựng ở đây những công sự ngầm, có lẽ là từ lâu lắm rồi”.

BẢO HÂN (tổng hợp)

- Tiếng sấm Điện Biên Phủ (Đỗ Thiện – Đinh Kim Khánh), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1984.

Điện Biên Phủ - Sự kiện Tư liệu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2004.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện – Hỏi và đáp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2004.

- btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.