Cách đây 101 năm, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc-sau này được toàn thế giới biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh-lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga Xô viết, nơi sau này người đã có tổng cộng gần sáu năm học tập, nghiên cứu và làm việc tại đây.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc lại những năm tháng ở quê hương V.I.Lênin và nêu rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa những thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống phát xít Đức với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phát xít Đức phát động cuộc tấn công bất ngờ xâm lược Liên Xô ngày 22-6-1941, đánh dấu thời điểm nhân dân Liên Xô bắt đầu bước vào Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Hành động xâm lược của phát xít Đức đã gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Dựa trên nhiều dữ liệu lịch sử được công bố, đã có khoảng 27 triệu công dân Liên Xô ngã xuống trong Chiến tranh vệ quốc. Thống kê cho thấy, 1/3 số người nằm xuống trong độ tuổi lao động; 1/3 số người ngã xuống là công dân Belarus; 1.710 thành phố, thị trấn, hơn 70.000 làng mạc, 32.000 xí nghiệp, công xưởng, khoảng 100.000 nông trường, nông trại bị tàn phá; 1/3 tài sản quốc gia bị hủy hoại. Đất nước Liên Xô gánh chịu tổn thất nặng nề về kinh tế và chỉ khôi phục được nhờ những nỗ lực lao động quên mình của nhân dân Liên Xô trong những thập kỷ tiếp theo.

leftcenterrightdel

Đại sứ Nga Gennady Stepanovich Bezdetko (thứ hai, từ trái sang) và Đại sứ Belarus Uladzimir Uladzimiravich Baravikou (ngoài cùng, bên trái) trong buổi họp báo tại Hà Nội, ngày 2-5-2024. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Tính đến mùa hè năm 1944, khoảng 75% tổng số sư đoàn Đức và phần lớn các thiết bị quân sự của phát xít Đức và các đồng minh của chúng tập trung trên mặt trận Xô-Đức. Bất chấp những mất mát, đau thương và khó khăn, gian khổ, nhân dân và Hồng quân Liên Xô đã nêu cao tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường bảo vệ đất nước, tiêu diệt phát xít, góp phần đem lại hòa bình cho nhân loại. Hồng quân Liên Xô đã đánh bại 507 sư đoàn của Đức Quốc xã và 100 sư đoàn quân đồng minh của Đức. Trên mặt trận Xô-Đức, quân đội Đức Quốc xã thiệt hại hơn 70.000 máy bay (chiếm khoảng 70% tổng số máy bay bị phá hủy của chúng), khoảng 50.000 xe tăng (chiếm 75% tổng số xe tăng bị phá hủy), 167.000 cỗ pháo (chiếm 74% tổng số pháo bị thiệt hại), hơn 2.500 tàu chiến và tàu hỗ trợ các loại.

Ngày nay, LB Nga và CH Belarus đang phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, người dân LB Nga và CH Belarus càng cần phải ghi nhớ chiến công của các thế hệ cha ông, tiếp tục noi theo tấm gương đấu tranh dũng cảm, quên mình, kiên định vì tự do, độc lập của Tổ quốc.

Chúng tôi luôn trân trọng những ký ức về các tình nguyện viên Việt Nam đã từng sát cánh chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trong ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít 9-5, nhiều sự kiện được tổ chức như: "Ký ức của Belarus", "Binh đoàn bất tử", "Dải băng Georgiev", "Thắp sáng ký ức"... để tôn vinh và tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ nền hòa bình cho nhân loại. Những sự kiện này được giới trẻ yêu nước tích cực tham gia, hưởng ứng, qua đó góp phần khẳng định thế hệ thanh niên ngày nay luôn trân trọng, biết ơn những hy sinh của các bậc tiền nhân, khẳng định sự trung thành của họ đối với những nguyên tắc và lý tưởng của thế hệ cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Sau khi tiêu diệt phát xít Đức, Liên Xô tiếp tục sát cánh cùng Trung Quốc và Mông Cổ đánh bại đội quân Quan Đông của phát xít Nhật, tạo động lực mạnh mẽ cho các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á. Liên Xô-nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới trở thành biểu tượng của sự kiên cường chống lại kẻ thù, ủng hộ và cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân trên toàn thế giới trong công cuộc giành lại độc lập, tự do. Liên Xô đã góp phần quyết định vào việc xóa bỏ hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới, góp phần xác lập nguyên tắc độc lập, tự quyết và bình đẳng của các dân tộc.

Cũng trong thời kỳ này, tháng 9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 9 năm sau, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954, việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Kể từ năm 1950, vừa mới hồi phục sau cuộc chiến chống phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Liên Xô đã bắt đầu hỗ trợ mạnh mẽ về quân sự và ngoại giao cho nhân dân Việt Nam anh em, viện trợ nhiều vũ khí, thiết bị quân sự và thuốc men trên quy mô lớn cho Việt Nam. Liên Xô cũng tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao ủng hộ việc chấm dứt xung đột và ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Thực tế đó cho thấy mối liên hệ không thể tách rời giữa chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại với chiến thắng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại các nước trong phe Trục, cũng như sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng quốc tế của Liên Xô đã tạo ra những thay đổi trên thế giới, cùng với cuộc đấu tranh kiên cường giành lại nền độc lập của nhân dân các nước thuộc địa đã làm sụp đổ hệ thống thuộc địa từng tồn tại hàng thế kỷ trên phạm vi toàn thế giới. Giống như Liên Xô, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã phải chịu đựng vô vàn gian khổ, phải hy sinh biết bao xương máu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập dân tộc, tự giải phóng mình khỏi ách áp bức của thực dân và trở thành tấm gương cho các dân tộc châu Á, châu Phi noi theo trong cuộc đấu tranh chống ách áp bức của ngoại bang.

Nhân dân LB Nga, CH Belarus và Việt Nam cùng chia sẻ những ký ức về thời kỳ chiến tranh đầy gian khổ nhưng vô cùng thiêng liêng, từ đó ý thức rõ được rằng không thể để những hy sinh xương máu của cha ông cho độc lập tự do trở thành vô ích. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi mạnh mẽ và kịch tính trên phạm vi toàn cầu cũng như tham vọng của một số quốc gia muốn áp đặt chế độ thuộc địa mới lên nhân loại. Cùng với các quốc gia cùng chí hướng ở Đông và Nam bán cầu, LB Nga và CH Belarus nỗ lực đấu tranh vì một trật tự thế giới công bằng dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về văn hóa và truyền thống, cũng như tính thượng tôn của luật pháp quốc tế, chứ không dựa trên các “luật lệ” của ai đó và chúng tôi không cho phép bất kỳ ai được quyền áp đặt chế độ thuộc địa mới.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), chúng tôi xin gửi lời chúc mừng tới đất nước và nhân dân Việt Nam anh em. Chúc đất nước và nhân dân Việt Nam hạnh phúc, thịnh vượng và luôn được sống dưới bầu trời hòa bình.

GENNADY STEPANOVICH BEZDETKO và ULADZIMIR ULADZIMIRAVICH BARAVIKOU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.