Nhà sử học người Pháp, Đại tá Jules Roy - tác giả cuốn “Trận đánh Điện Biên Phủ” từng mô tả Điện Biên Phủ như một “sự sắp đặt mà trong đó phương Tây phải hứng chịu một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử”. Trong tác phẩm của mình, ông cũng đưa ra nhận định rằng người Pháp thất bại do không có ý định rõ ràng, phớt lờ các giả thuyết chiến tranh, quá phụ thuộc vào không lực trong khi lại đánh giá thấp đối thủ của họ.

Khi Thủ tướng Pháp thời bấy giờ - Rene Mayer lựa chọn Tướng Henri Navarre trở thành Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, ông đã chỉ đạo Navarre kiến tạo một viễn cảnh quân sự ở Đông Dương mà có thể mang lại sự ủng hộ về mặt chính trị cho cuộc chiến tại đây. Navarre đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình ở Đông Dương và kết luận rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với nhiệm vụ của ông chính là ở miền Bắc Việt Nam.  

Để thực hiện chiến lược này, Navarre đã vạch ra một bản kế hoạch mang tên mình, được Mỹ - một đồng minh chiến lược và cũng là nhà tài trợ chính cho cuộc chiến ủng hộ, Navarre đã nhắc đến Điện Biên Phủ như một điểm chốt để ngăn chặn quân đội Việt Nam di chuyển sang Lào, cùng lúc cũng là cái bẫy dụ đối phương đến tiêu diệt lực lượng chủ lực. Thế nhưng, chỉ không đầy 8 tuần sau kể từ ngày bộ đội Việt Nam bắt đầu nổ súng (13-3-1954) thì Điện Biên Phủ đã trở thành địa ngục của đạo quân đồn trú, rồi lan thành nỗi kinh hoàng của nước Pháp và trở thành một địa danh được nhắc đến hàng ngày trên các bản tin thời sự quốc tế…

leftcenterrightdel

Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Patrick Jennings - tác giả cuốn "Những trận đánh trong chiến tranh Việt Nam” xuất bản năm 1985, đã gọi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ “không phải là cuộc chiến của con người và vũ khí mà chính là vấn đề hậu cần”. Mặc dù mục tiêu chính của quân đội Pháp là bảo vệ vững chắc thành trì của họ, nhưng rõ ràng là không lực của họ không phải là nguồn cung cấp vững chắc. 

Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ đã chuẩn bị một trong những công tác hậu cần kỳ lạ nhất trong lịch sử. Một đạo quân gồm hàng trăm nghìn người đến Điện Biên Phủ vận chuyển lương thực, đạn dược trên các xe đạp, hoặc trên vai mỗi ngày đi 20 dặm, mỗi đêm 50 dặm. Súng lớn được kéo lên từng tấc một qua những dốc đá thẳng đứng vào công sự ngầm nhìn xuống thung lũng. Từng đoàn xe tải lăn bánh dưới lá ngụy trang kéo dài hàng dặm, hoặc đi ban đêm. Trong khi, các máy bay trinh sát của Pháp lại không thấy gì cả.

Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những kế hoạch chuyển quân, vận chuyển các vũ khí nặng, lợi dụng các cao điểm xung quanh thung lũng Điện Biên Phủ… đã dẫn đến một trong những chiến thắng lẫy lừng nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

HUYỀN TRANG (lược trích)

1. Sách Điện Biên Phủ - Bài ca bất diệt, Nxb Hồng Đức, 2016, tr297, tr298)

2. Ký ức người lính (kyucnguoilinh.vn)