Quân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng. Đúng là một đòn nặng nề giáng vào chủ nghĩa thực dân Pháp. Thất bại của Pháp cũng là thất bại của Mỹ, kẻ đỡ đầu cho chủ nghĩa thực dân Pháp. Lúc này, giới chiến lược Mỹ như bừng tỉnh khi bắt đầu nhận ra tầm ảnh hưởng sâu rộng của một thất bại tưởng chừng như chỉ có tính chất khu vực và gián tiếp đối với Mỹ.

Chiến thắng vẻ vang của quân và dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ đã làm cho giới chiến lược Mỹ vừa kinh ngạc, vừa bàng hoàng: Những tính toán chiến lược của Mỹ bị đảo lộn. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954, một nửa nước Việt Nam được giải phóng. Điều đó có nghĩa là phần đất này được tách ra khỏi quỹ đạo hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa để trở thành một bộ phận hợp thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trong khi Mỹ tập trung vào các hoạt động chống phá Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thì từ phong trào giải phóng dân tộc lại sinh trưởng những nước xã hội chủ nghĩa mới, những nước độc lập dân tộc hướng về chủ nghĩa xã hội hoặc những nước trung lập.

leftcenterrightdel

Pháo binh của ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ chiều 13-3-1954, tấn công cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu TTXVN  

Điện Biên Phủ đã trở thành đòn vu hồi hoặc theo cách nói của giới chiến lược Anh, đó là "đòn tiếp cận gián tiếp" đánh vào chiến lược quân sự Mỹ. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ ngày 12-2-1950, Thời báo New York đã viết: "Đông Dương là phần thưởng đặt cho một trò chơi lớn... Thậm chí trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ 2, hằng năm Đông Dương đã đem lại lợi tức khoảng 300 triệu USD". Trong hội nghị các thống đốc bang nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower tuyên bố ngày 4-8-1953: "Chúng ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta mất Đông Dương... Thiếc, vonfram là những thứ quý giá sẽ không từ vùng này đến nữa... Do đó, khi nước Mỹ bỏ phiếu thông qua khoản tiền 400 triệu USD để giúp đỡ cuộc chiến tranh này, chúng ta không bỏ phiếu cho một chương trình không có giá trị gì. Chúng ta bỏ phiếu cho con đường ngăn chặn các sự kiện có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với nước Mỹ".

Theo tính toán của phương Tây, viện trợ của Mỹ cho thực dân Pháp đến năm 1954 tổng cộng lên đến khoảng 2 tỷ USD. Vào lúc đó, giới cầm quyền Washington mới xem cách mạng ba nước Đông Dương như là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa và khu vực đầu tư của Mỹ tại bán đảo này nói riêng và đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam Á nói chung, Washington chưa thể nhận thức sâu sắc và đầy đủ được rằng hậu quả thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ sẽ dẫn đến sự đảo lộn của thế trận chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á, một bộ phận của thế trận chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành một bất ngờ đầy cay đắng, đau đớn đối với Mỹ, trước hết là bất ngờ về khả năng của một đối tượng mà trước đây Mỹ chưa từng xem trọng; bất ngờ về sự bất lực của Mỹ khi đối phó với đối tượng mới mà Mỹ chỉ xem là những lực lượng nổi dậy trong khu vực, những lực lượng du kích không được trang bị vũ khí hiện đại; và bất ngờ về thất bại của một đồng minh của Mỹ tại một thuộc địa cũ, tại một khu vực nhiệt đới, hẻo lánh, xa nước Mỹ hàng vạn km.

Điện Biên Phủ như một chất xúc tác kỳ diệu đẩy phong trào giải phóng dân tộc phát triển những bước mới trên thế giới. Con bài domino thực dân cũ tại nhiều khu vực khác trên thế giới tạo thành những biến chuyển mới trong tương quan lực lượng giữa lực lượng đế quốc và phản động quốc tế với lực lượng cách mạng và tiến bộ trên phạm vi toàn cầu. Sự biến chuyển chính trị, quân sự này đe dọa quyền lợi kinh tế tại các khu vực đầu tư, nguồn nguyên liệu, thị trường của Mỹ trên thế giới và trước hết là tại Đông Nam Á. Nếu Chiến dịch Điện Biên Phủ báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa thực dân cũ, thì sự kiện quân sự này cũng báo hiệu rằng chủ nghĩa thực dân mới Mỹ nảy sinh từ những mảnh vụn của chủ nghĩa thực dân cũ sẽ không thể ngăn chặn được dòng thác ồ ạt của phong trào giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc trên thế giới.

Với Điện Biên Phủ, giới cầm quyền Washington đã phải đau đớn thú nhận, như hình tượng mà báo chí Mỹ nêu ra: Cái "búa tạ" hạt nhân Mỹ không có khả năng đập chết được "con muỗi chiến tranh" nổi dậy trong khi cái gậy phang vào đầu thực dân Pháp lại bật dậy phang tiếp vào đầu đế quốc Mỹ.

ĐỨC AN (lược trích)

1. Mấy vấn đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.