Từ quê Bác xa xôi, các thành viên của Tỉnh đoàn Nghệ An cũng có chuyến hành trình đầy ý nghĩa.

Sau một ngày di chuyển, tưởng chừng mọi người đều uể oải, nhưng buổi sáng, tất cả có mặt đông đủ, mọi mệt mỏi đã được thay thế bằng cảm xúc trang nghiêm, lắng đọng tự hào. Chuyến đi của đoàn bắt đầu vào buổi sáng để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không khí linh thiêng, trầm lắng. Cả đoàn người im lặng hòa với không gian, tưởng nhớ về một thời hào hùng. Chương trình cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa như dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ, thăm tượng đài chiến thắng và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Anh Trần Linh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: “Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với mong muốn bồi đắp lý tưởng, lý luận thực tiễn cho đội ngũ cán bộ đoàn, báo cáo viên, Tỉnh đoàn Nghệ An lựa chọn Điện Biên Phủ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình về với các địa chỉ đỏ. Những thành viên trong đoàn sẽ là những tuyên truyền viên chuyển tải các giá trị lịch sử một cách hiệu quả tới thế hệ tương lai của đất nước”.

leftcenterrightdel
Các thành viên trong đoàn tại Di tích Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Háo hức vì đã thỏa niềm mong mỏi được tận mắt thấy đồi A1, đồi D, đồi E, Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Trương Thị Mai Chi, lớp 63B1 Khoa Luật Kinh tế, Trường Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Vinh) cho biết: “Chuyến đi giúp tôi càng hiểu rõ hơn về tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dù chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa nhưng những tàn tích do chiến tranh để lại vẫn còn mãi với thời gian. Là một sinh viên, một người yêu lịch sử, tôi rất tự hào vì được tham gia chuyến hành trình về nguồn tại Điện Biên Phủ, được ghé thăm hầm De Castries, hầm xuyên núi ở Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi về với Điện Biên. Vượt qua hành trình hơn 13 giờ đồng hồ, vượt núi, băng sông để đến với Điện Biên nhưng với tôi lần nào cũng ý nghĩa và đầy háo hức. Các địa danh lịch sử hầu như không thay đổi theo thời gian nhưng mỗi lần đến tôi đều cảm nhận được sự linh thiêng và tự hào.

Chúng tôi, tuổi trẻ Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung càng trân quý giá trị hòa bình hiện có khi biết rằng các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã phải hy sinh biết bao xương máu. Đặc biệt, chuyến đi này, tôi được chiêm ngưỡng bức tranh panorama rộng hơn 3.000m2, tái hiện những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Có thể nói, đây là một kiệt tác với đủ cả bối cảnh lịch sử giúp chúng tôi hình dung rõ ràng hơn về sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, sự khoan hồng của Việt Nam đối với thực dân xâm lược, sự khốc liệt của chiến tranh...”.

Bài và ảnh: XUÂN BÁCH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.