Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại biểu lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng 139 chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến đến từ các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái,...

Sống lại “thời thanh niên sôi nổi”

Khi những chuyến xe chở 139 chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến dừng trước cửa Hội trường Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên tại TP Điện Biên Phủ, cũng là lúc hàng chục cán bộ, chiến sĩ LLVT, đoàn viên, thanh niên địa phương kịp thời bước đến, nhẹ nhàng dìu đỡ từng người vào hội trường. Phần lớn cựu chiến binh đã bước qua tuổi thượng thọ, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng khi được trở về mảnh đất Điện Biên lịch sử, ai cũng thấy khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn; gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, rưng rưng xúc động. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có mặt, thân mật chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, tạo nên bầu không khí ấm áp, lan tỏa...

leftcenterrightdel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. 

Bà Phan Thị Bảy, 95 tuổi, là TNXP xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), do có nhiều thành tích xuất sắc trong tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 31-10-1955, bà được kết nạp vào Đảng. Năm 1979, bà quyết định cùng chồng quay trở lại Điện Biên, xây dựng vùng kinh tế mới và gắn bó với mảnh đất này. Gặp lại những người bạn từ thời tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến, như: Bà Trần Thị Nhĩ, 91 tuổi, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Thái, 90 tuổi, quê ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An); ông Trần Ngọc Lâm, 92 tuổi, quê ở xã Đạo Lý (Lý Nhân, Hà Nam); bà Nguyễn Thị Lý, quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa... bà Bảy không giấu nổi xúc động: “70 năm rồi vẫn còn được nhìn thấy nhau thế này là quý lắm. Giờ nghĩ lại cũng không hiểu vì sao chúng tôi có thể gùi hàng, tải đạn, đi suốt ngày đêm, vượt qua không biết bao nhiêu suối sâu, đèo cao để có mặt kịp thời phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ bởi lòng căm thù giặc, quyết tâm giải phóng quê hương mà chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn, thử thách ấy”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. 

Bà Nguyễn Thị Lý bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ phải đi nhiều đường khác nhau, chủ yếu đi vào ban đêm để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch. Để đưa gạo đến nơi an toàn là cả một quá trình gian nan, vất vả không lời nào tả hết. Bom đạn quân địch nổ sát bên tai; đường rừng hiểm trở, dốc cao, vực sâu, muỗi rừng cắn làm chị em sốt rét; cơm ăn, nước uống thiếu thốn; nhiều người ốm đau, bệnh tật đã mãi mãi nằm lại trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từng đoàn xe đạp thô sơ, người gánh bộ nườm nượp nối nhau vượt qua núi cao, đèo sâu vào chiến dịch". Bà Lý cũng không nhớ đã tham gia vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng hóa lên Điện Biên. Cho đến một ngày, họ được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng! Ngay lập tức, cả khu rừng trầm lặng hằng ngày bỗng vỡ òa bởi tiếng reo hò của hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến.

Ôn lại những năm tháng hào hùng năm xưa, chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều, 94 tuổi, trú tại tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ nhắc đến trận đánh mở màn chiến dịch của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 với chất giọng hào sảng: “Chiều 13-3-1954, pháo binh của ta nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, sau đó bộ đội ta đồng loạt xung phong, lần lượt triệt hạ từng ụ súng, lô cốt, tiến tới làm chủ hoàn toàn một trong những cứ điểm kiên cố nhất của quân Pháp. Trận mở màn đánh vào Him Lam đóng góp quan trọng vào chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Vượt gần 2.000 cây số từ TP Hồ Chí Minh lên Điện Biên dự buổi gặp mặt, Đại tá Dương Chí Kỳ, nguyên chiến sĩ khẩu đội cối 82mm, thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, đơn vị đánh Đồi A1 không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc đến những ngày cùng động đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, nhưng “gan không núng, chí không mòn”.

“Với tinh thần, khí thế của tuổi trẻ, chúng tôi đã sống, cống hiến và trưởng thành. Rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống hoặc để lại một phần cơ thể trong các cuộc chiến tranh, vì màu cờ và sự trường tồn của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn tích cực học tập, tu dưỡng đạo đức, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa; vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương mỗi ngày thêm giàu mạnh”, chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ kỳ vọng.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến hết sức to lớn. Trong đó, nhiều người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; có người dành hết tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, không màng đến hạnh phúc riêng tư. Riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng này đã sử dụng hơn 30.000 chiếc xe đạp thồ, vận chuyển hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, 2.000 tấn thực phẩm cho chiến trường. Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hầu hết họ trở về cuộc sống đời thường, học tập, công tác, lao động sản xuất. Dù ở cương vị nào, họ vẫn giữ vững phẩm chất, trở thành cán bộ tốt, công dân gương mẫu, tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương, là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Dành mọi sự quan tâm, chăm lo cho người có công

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại “chấn động địa cầu”. Với tình cảm sâu nặng từ đáy lòng, Thủ tướng trân trọng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT nhân dân, chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến những tình cảm chân thành, sự tri ân sâu sắc, lời thăm hỏi thân thiết, quý mến và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thủ tướng khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt-“Một dấu mốc bằng vàng chói lọi” trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta”. Đó là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của lương tri và phẩm giá con người, được thể hiện bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc. Đặc biệt là hình ảnh đồng bào ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ biển, đảo đến đất liền, già, trẻ, gái, trai đều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công. Hay hình ảnh của “binh chủng xe đạp thồ” với hàng nghìn chiếc ngày đêm vận chuyển trên những cung đường dài hàng nghìn ki-lô-mét, góp sức người, sức của bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các LLVT nơi tiền tuyến. 

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trao quà tặng các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tại buổi gặp mặt. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ bồi hồi, xúc động khi được gặp lại những tấm gương, hình ảnh sinh động, cảm nhận tinh thần hăng hái, phấn khởi ấy từ 139 chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến có mặt tại buổi gặp mặt-đại diện cho những người con ưu tú của đất nước, đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và “cột mốc vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta; xứng đáng được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Thủ tướng khẳng định, bản thân như được tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng và vui mừng khi thấy các bác, các cô, chú, anh, chị, mặc dù hầu hết tuổi đã rất cao nhưng vẫn khỏe, minh mẫn và luôn tràn đầy nhiệt huyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa" với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc; đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân sâu sắc, nhân văn. Thủ tướng vui mừng được biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc làm nhà "Đại đoàn kết" cho 5.000 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đơn vị Quân đội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... còn nằm lại trên mảnh đất Tây Bắc lịch sử anh hùng. Trước tình hình đó, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên; tuyệt đối không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1; tham dự lễ động thổ công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam (giai đoạn 2); gắn biển tên đường Phạm Văn Đồng tại phường Mường Thanh và đường Nguyễn Ngọc Bảo tại phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG - HIẾU TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.