Tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, do Học viện Chính trị phối hợp cùng Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức, nhiều tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học đã nhấn mạnh và khẳng định điều này.

Báo Quân đội nhân dân điện tử trích đăng một số ý kiến về nội dung này.

leftcenterrightdel

 Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách, báo về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại tá, PGS, TS Hà Đức Long, Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác-Lênin, Học viện Chính trịChiến thắng Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam; của sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; cột mốc đánh dấu sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, mở ra phong trào giải phóng dân tộc vì hòa bình, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngoài thắng lợi của đường lối chỉ đạo chiến lược, về tổ chức hoạt động quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự thì vấn đề cơ bản, cốt lõi là thắng lợi của sức mạnh văn hóa dân tộc, trong đó có chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Sức mạnh văn hóa ấy được kế thừa từ truyền thống văn hóa rất phong phú của dân tộc, tồn tại như một dòng chảy liên tục từ truyền thống tới hiện đại. Những quan điểm, tư tưởng, triết lý nhân văn giữ nước của dân tộc ta được đúc kết trong lịch sử như “phải giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… thể hiện rõ sức mạnh văn hóa dân tộc nhân văn trong chiến tranh. 

Đến thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh ấy tiếp tục được nhân lên với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tạo nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như một sự tiếp nối tất yếu truyền thống đánh giặc của dân tộc xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; thể hiện đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc Việt Nam và sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình, nước Việt Nam đứng trên vũ đài chính trị thế giới với tư cách một nước, một quốc gia độc lập, có chủ quyền ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.

------------------

Đại tá, PGS, TS Đỗ Huy Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Chính trịTầm quan trọng của đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị “vừa hồng, vừa chuyên”

Cán bộ chính trị là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Quân đội, cán bộ của Đảng; trong đó, chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ cán bộ chính trị có vai trò rất quan trọng đối với việc tạo sự thống nhất về tình hình tư tưởng, khích lệ tinh thần, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phát huy cao độ ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm cho thế và lực của quân và dân ta trên chiến trường không ngừng phát triển, giành ưu thế đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Học viện Chính trị xác định công tác đào tạo cán bộ chính trị vừa “hồng” vừa “chuyên” bám sát chuẩn đầu ra là hết sức quan trọng, làm nòng cốt xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong Quân đội. Quá trình đào tạo không chỉ tập trung ở trình độ chuyên môn hay kiến thức quân sự, mà phải đào tạo toàn diện cả về phẩm chất chính trị, quân sự, đạo đức, kiến thức, năng lực, thái độ, ý chí quyết tâm… theo chuẩn đầu ra với mục tiêu: Đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước; có kiến thức sâu rộng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự, văn hóa xã hội; có năng lực toàn diện, khả năng chuyên sâu về lãnh đạo, chỉ huy, công tác Đảng, công tác chính trị và quản lý đơn vị…

---------------

Thượng tá MÈ QUANG THẮNG, Phó trưởng phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân:  Phát huy giá trị tinh thần làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ

70 năm về trước, tại Điện Biên Phủ, Báo QĐND đã xuất bản và phát hành 33 số báo đặc biệt ngay tại chiến trường; trở thành kênh thông tin báo chí hiệu quả nhất, một mũi xung kích trong chiến dịch. Và đó cũng chính là một đại sự kiện báo chí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí thế giới.

Sự ra đời của Báo QĐND khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị trong xây dựng, sử dụng và phát huy vai trò của báo chí như một lực lượng, một "binh chủng đặc biệt" để góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo QĐND được phát hành ngay tại mặt trận. Lực lượng nòng cốt của Tòa soạn tiền phương chỉ có 5 đồng chí. Trong thời gian 140 ngày đêm, từ ngày 28-12-1953 đến ngày 16-5-1954, Tòa soạn tiền phương Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo. Bên cạnh việc làm báo, phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn tiền phương còn kiêm thêm công việc phát hành. Với chức năng là “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”, tờ Báo QĐND được ra đời ngay tại mặt trận mang hơi thở của chiến trường, đã trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với bộ đội ta ngay trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn và gian khổ nhất. 

leftcenterrightdel
 Thượng tá Mè Quang Thắng.

Làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học quý, đó là bài học về: Tinh thần dấn thân, dám vượt mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng, hình thành phương pháp, tư duy làm báo khoa học, linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; tính hiệp đồng trong tổ chức làm báo. Đúng như lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Báo QĐND: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”. 

Trong thời kỳ mới, phát huy tốt tinh thần làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, Báo QĐND đã không ngừng cải tiến, đổi mới cả về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, truyền thống, phong cách, bản sắc của tờ báo chiến sĩ. Báo QĐND được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cơ quan chức năng của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và quần chúng nhân dân đánh giá cao, khen ngợi trong tuyên truyền đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền đậm nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phát hiện và nêu được nhiều điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đóng góp xứng đáng trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là tinh nhuệ, vững vàng về chính trị.

--------------------

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC HỒI, Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, Công tác chính trị, Học viện Chính trịVận dụng hiệu quả, sáng tạo vào giảng dạy, đào tạo những chính ủy tương lai

Chiến thắng Điện Biên Phủ được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố như: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Trong đó, yếu tố cơ bản mang tính quyết định nhất đó là sức mạnh chính trị, tinh thần đã được phát huy lên một tầm cao mới. Sức mạnh chính trị, tinh thần trong Chiến thắng Điện Biên Phủ được thể hiện ở nhiều góc độ với những nội hàm phản ánh khác nhau. Cụ thể như: Đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, phù hợp; ý chí quyết tâm chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch; phát huy sức mạnh toàn dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế...

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhân tố chính trị, tinh thần là tài sản tinh thần vô giá, sức mạnh để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trong giảng dạy, học tập môn công tác Đảng, công tác chính trị ở Học viện Chính trị hiện nay, cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương và của Đảng ủy Học viện về công tác giáo dục và đào tạo... Nhận diện kịp thời, đúng đắn, thực chất “đối tượng”, “đối tác” của cách mạng Việt Nam; xu hướng giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Tăng cường truyền thụ kinh nghiệm lịch sử trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam; nhất là ý nghĩa, giá trị nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trong các hoạt động giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách, báo về Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Kết hợp truyền thụ kinh nghiệm tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách trong chiến đấu. Chống tư tưởng lơ là, mất cảnh giác; sợ địch, sợ vũ khí công nghệ cao. Giáo dục tuyên truyền cho học viên - những chính ủy tương lai có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; có tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao: Dám đánh, biết đánh và quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong giảng dạy kết hợp chặt chẽ 3 quan điểm, 8 nguyên tắc và 6 mối kết hợp; nâng cao chất lượng hoạt động sau bài giảng; chú trọng hướng dẫn, tập bài, tổ chức diễn tập cho học viên đào tạo chính ủy trung (lữ) đoàn sát thực tế chiến đấu. Chú trọng truyền thụ kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; ngụy trang, nghi binh, phòng tránh đánh trả; xử lý các tình huống phức tạp; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy môn công tác Đảng, công tác chính trị cả về trình độ, phẩm chất, năng lực. Không ngừng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên. Thực hiện tốt quy trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, chú trọng bồi dưỡng tại chức về năng lực sư phạm, phương pháp tác phong công tác; kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy, quản lý; kinh nghiệm chiến đấu.

------------------

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN XUÂN TÚ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trịXây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh-nhìn từ bài học kinh nghiệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và nhất là xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay.

Trong đó, bài học quan trọng nhất và cũng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ đó là bài học về đường lối chính trị và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng; được thể hiện tập trung nhất là đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc; kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính nhằm để giành độc lập, tự do thực sự cho dân tộc. 

leftcenterrightdel
 Đại tá, PGS, TS NGUYỄN XUÂN TÚ.

Nhờ có đường lối chính trị và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam mà quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối đúng đắn, sáng tạo toàn dân, toàn diện đã phát động được cuộc chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp trên cả nước với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi quyết định bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu tình hình mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Vận dụng bài học kinh nghiệm này, trên cơ sở tiếp tục giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, Đảng đã đề ra chủ trương đúng đắn về xây dựng Quân đội nói chung và xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh nói riêng. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định chủ trương với định hướng và mục tiêu rất cụ thể: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” .

Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ, lộ trình xây dựng Quân đội từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó chia thành hai giai đoạn: 2021 - 2025 và 2025 - 2030, mà trọng tâm của xây dựng Quân đội từ năm 2021 đến năm 2025 là điều chỉnh tổ chức, xây dựng lực lượng cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Theo đó, quá trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh phải đồng thời thực hiện ba nội dung khác nhau nhưng gắn kết với nhau và không được xem nhẹ bất cứ nội dung nào.

Đó là, chất lượng con người tinh nhuệ, “tinh binh, tinh cán” và vũ khí, trang bị; trước hết là phải tinh nhuệ về chính trị và có trình độ tác chiến cao. Tiếp đó là “gọn”, các đầu mối tổ chức cơ quan, đơn vị được xây dựng cân đối, đồng bộ, hợp lý, khoa học giữa các thành phần, lực lượng, không cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Cuối cùng, “mạnh” là sức mạnh của Quân đội, trước hết là sức mạnh chiến đấu. Quân đội mạnh hội tụ bởi nhiều yếu tố, dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố tổ chức, con người với vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp vượt trội để đánh thắng mọi kẻ thù trong các hình thái chiến tranh... 

---------------

Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAIViện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sựHọc viện Chính trịÝ nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công tác đối ngoại quốc phòng hiện nay

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn sức mạnh của đoàn kết quốc tế, có thể rút ra nhiều ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng ở nước ta hiện nay. 

Về lý luận, những quan điểm, tư tưởng về sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy trong tình hình mới. Trong đó, công tác đối ngoại quốc phòng tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển những nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế.

leftcenterrightdel
 Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI.

Về thực tiễn, sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì thế, ý nghĩa đối với công tác đối ngoại quốc phòng là tiếp tục được phát huy trong thực tiễn bằng những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thì quốc phòng, an ninh của Việt Nam không thể tách rời của khu vực và thế giới.

Trước tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác; trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác và trong mỗi đối tác vẫn có những mặt mâu thuẫn phải đấu tranh. Do đó, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng...

Mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương, nhất là với các nước láng giềng và các đối tác quan trọng theo hướng đi vào thực chất và đem lại hiệu quả thiết thực. Tiếp tục trở thành một trong những trụ cột quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

---------------

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNHHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí MinhKiên định đường lối đúng đắn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng 

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả 9 năm thực hiện đường lối kháng chiến và đường lối cách mạng đúng đắn, do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, toàn dân tiến hành trên các mặt trận kháng chiến. Những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là, luôn kiên định đường lối kháng chiến đúng đắn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định những vấn đề căn cốt nhất để lãnh đạo, tổ chức toàn dân, toàn quân kháng chiến chống xâm lược. Nội dung cốt lõi của đường lối và tư tưởng chỉ đạo kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”. Phương châm chiến lược của Đảng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là đánh lâu dài, đồng thời ra sức phát triển lực lượng để giành những thắng lợi lớn làm chuyển biến nhanh chóng so sánh lực lượng và cục diện trên chiến trường. 

leftcenterrightdel
 PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh.

Đến năm 1953, trước sự phát triển của thế và lực cách mạng, nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1953) đã vạch ra phương hướng chiến lược, phương hướng tác chiến và tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Phương hướng chiến lược là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là “không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng đã vạch phương hướng cho quân và dân ta tiến vững chắc đến thắng lợi, thể hiện rõ bản lĩnh kiên định, chủ động, kiên quyết làm thất bại âm mưu và hành động xâm lược mới của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Vào cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, giữ vững quyền chủ động, đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn chiến trường Đông Dương. Quyết kế chỉ đạo quan trọng nhất là làm sao phân tán được khối chủ lực địch ở đồng bằng; phải chọn hướng chiến lược địch sơ hở nhưng là hướng quan trọng. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xòe ra và nói: “Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm cho chúng thất bại hoàn toàn”...

Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1953 mở đường đi tới những thắng lợi lịch sử trong Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.