Điện Biên Phủ, bản thân cái tên đã là một bài ca lớn của dân tộc, được hòa âm phối khí thành công bởi toàn Đảng, toàn dân và những con người xuất chúng, chỉ huy tài giỏi là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Điện Biên Phủ đã tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao ở các lĩnh vực điện ảnh, văn thơ, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc...

Ở đây chỉ xin phép trình bày đôi điều suy nghĩ ở lĩnh vực mỹ thuật. Nhìn chung, mỹ thuật trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một giai đoạn khá rực rỡ, xuất hiện rất nhiều tác phẩm có giá trị (cả hội họa và điêu khắc) với sự góp mặt của các tên tuổi lẫy lừng như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Thị Kim...; rồi tiếp đến là Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Đào Đức, Mai Long, Lê Huy Hòa, Lê Lam...

leftcenterrightdel

Bức tranh tường trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo sức hấp dẫn với khách tham quan. Ảnh: THU HÀ 

Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, mỹ thuật đã đồng hành tích cực, trách nhiệm với công cuộc chiến đấu anh dũng của toàn dân chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Những sáng tác về Điện Biên Phủ thành công phải kể đến tác phẩm “Kết nạp Đảng tại Điện Biên Phủ” (sơn mài-sáng tác năm 1963) của Nguyễn Sáng. Chất liệu truyền thống được họa sĩ bố cục rất hiện đại, đầy cảm xúc, rung động, gợi lại một khoảnh khắc hào hùng, dũng cảm, đầy chất anh hùng ca của Bộ đội Cụ Hồ-những chiến sĩ của nhân dân. Cũng về hình tượng người chiến sĩ, về Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã sáng tác nhóm tượng “Chiến thắng Điện Biên Phủ” năm ông còn trẻ (30 tuổi). Nhóm tượng 3 chiến sĩ được bố cục rất chặt, dáng đứng tạo thế hòa quyện của 3 nhân vật chắc chắn, lá cờ rất bay mà vẫn có khối, vẫn thấy nhẹ nhàng, phấp phới trước gió mà lại chao liệng rất động, rất điêu khắc...

Hình ảnh em bé như một sự lóe sáng, hy vọng lớn lao ở tương lai. Nhóm tượng bố cục có nhịp điệu, chặt chẽ, rung động cảm xúc người xem, và khi ngắm nhìn tác phẩm, có cảm giác văng vẳng giai điệu bài hát “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...” (Giải phóng Điện Biên-Đỗ Nhuận).

Từ lâu, người ta thường nói trong hội họa hay điêu khắc có thơ, có giai điệu... hoặc trong hội họa có khối, trong điêu khắc có màu. Trong tác phẩm này của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, ngoài đẹp về bố cục, về khối, người ta thấy có cả âm nhạc văng vẳng cùng nhịp với cảm xúc của thị giác...

Một dấu ấn đẹp tiếp theo là bức “Kéo pháo” của họa sĩ Dương Hướng Minh (sơn mài-sáng tác năm 1957). Với một bố cục đông người, gần như giống nhau về tư thế đã tạo hiệu ứng nhịp điệu chuyển động rất mạnh mẽ, gam màu chung gợi đúng được không gian núi rừng Điện Biên, hình khá chắc, gam màu hơi hướng nóng ấm nhưng lại hài hòa, khác với người lính trong “Kết nạp Đảng tại Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng là hình khúc chiết, giản lược, thật ít nhân vật.

Nhân vật trong “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh tìm về sự gần gũi với hiện thực và thực sự là một trong những điểm sáng của hội họa thể hiện người lính trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên.

Gần đây nhất, một tác phẩm lớn vừa hoàn thành tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo được ấn tượng rất mạnh mẽ với người xem. Đây là bức tranh vòm, tái hiện toàn bộ không gian “chảo lửa” Điện Biên Phủ có ta, có địch, có mất mát và chiến công oanh liệt, có bộ đội, có dân công, dân quân du kích... Đa dạng nhân vật, nhiều địa danh, vị trí, các trận đánh... một tác phẩm tổng hợp khá trọn vẹn tính hiện thực của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Màu sắc và cách biểu hiện hài hòa, không quá nệ thực bằng cách xử lý các không gian liền mạch (nonstop).

Kể ra sẽ còn rất nhiều tác phẩm, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc khác đóng góp sáng tạo của mình với đề tài Điện Biên Phủ. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều tác phẩm chất lượng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bảo tàng địa phương và tư nhân, góp phần lan tỏa giá trị chiến thắng vĩ đại của chúng ta cho công chúng hôm nay cũng như thế hệ mai sau. Giá trị tinh thần vô giá Điện Biên Phủ đã in khá đậm trong cảm xúc, trong các sáng tác của giới mỹ thuật nước nhà từ năm 1954 tới nay. Hy vọng rằng, mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận cho giới sáng tác văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung và giới sáng tác mỹ thuật nói riêng.

Nghệ sĩ Nhân dân VƯƠNG DUY BIÊN, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.