70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích sáng tác trong giai đoạn 1949-2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện sinh động những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường như: “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Nguyễn Thế Vị, “Điện Biên năm ấy” của tác giả Cao Trọng Thiềm... Đó còn là khoảnh khắc các chiến sĩ kéo pháo vào trận địa, chuẩn bị cho chiến dịch được thể hiện qua tác phẩm “Kéo pháo”, “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của họa sĩ Dương Hướng Minh, tác phẩm “Kéo pháo Điện Biên” của họa sĩ Trần Đình Thọ. Những khoảnh khắc về sự hỗ trợ, đóng góp công sức của hàng chục nghìn dân công; tình cảm quân dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được khắc họa tài tình, thể hiện tình cảm sâu sắc của giới văn nghệ sĩ với lãnh tụ của nhân dân và vị tướng tài ba của dân tộc. Đặc biệt, chùm ký họa về Điện Biên của danh họa Tô Ngọc Vân thực hiện trước lúc hy sinh.
 |
Tác phẩm "Tiếng hát mùa chiến dịch" của tác giả Mai Văn Hiến. |
Chia sẻ về quá trình hình thành nên tác phẩm “Cả nước ra trận”, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cho biết: “Vào năm 2003, hướng đến kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hai đoàn nghệ sĩ điêu khắc và hội họa đi thực tế tại Điện Biên. Hai điều đặc biệt khiến tôi xúc động. Thứ nhất là chiếc xe thồ của dân công, nói lên sự chiến đấu toàn dân tộc. Thứ hai là hào con nhím, nói lên đặc tính của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn thô sơ mà chiến thắng kẻ thù hùng mạnh”.
Trong khu vực trình chiếu kỹ thuật số, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn sắp đặt một số mô hình xe thồ, trang phục và vật dụng của quân dân ta tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ để tăng hiệu ứng trải nghiệm. Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi được xem những cái tác phẩm triển lãm chuyên đề về Điện Biên Phủ, trước đây chỉ xem rải rác ở một vài triển lãm khác. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những bức ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân hoặc những bức tranh lụa của họa sĩ Đào Đức”.
Nhìn lại những tác phẩm của các nghệ sĩ, dù là trực tiếp ở mặt trận hay sau này, cũng thấy rằng đây là những trang sử ký đẹp đẽ nhất được lưu giữ lại bằng ngôn ngữ của mỹ thuật. Đây cũng là dịp để mỗi người dân tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh, góp phần vào chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
THANH BÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.