1. Kế hoạch tác chiến sắp tới Bộ quyết định như sau:

a) Tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm 105 sau đó giữ cứ điểm đó, để kiểm soát và phá hoại bộ phận bắc sân bay của địch.

b) Trong khi đánh cứ điểm 105 thì phải dùng một lực lượng đầy đủ đánh lui và tiêu diệt viện binh của địch từ Mường Thanh lên. Trận địa đánh viện sẽ bố trí thành hai tuyến: một tuyến chính giữa cứ điểm 105 và cứ điểm 206, một tuyến thứ hai giữa cứ điểm 206 và cứ điểm 208.

c) Đồng thời dùng một lực lượng chừng một đại đội tăng cường hỏa lực tiến hành công kích nhỏ, bộc phá dây thép gai, đánh sập một số lô cốt ở hai cứ điểm 206 và 311A phối hợp với trận đánh điểm diệt viện nói trên và tạo điều kiện để tiêu diệt hai cứ điểm này.

leftcenterrightdel

Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN phát 

2. Đại đoàn 308 có nhiệm vụ:

a) Dùng toàn bộ lực lượng trung đoàn 88 để tiêu diệt cứ điểm 105 (thay cho trung đoàn 165) tối hôm nay phải hành quân đến vị trí tập kết, không được chậm, một số cán bộ đi trước để gặp cán bộ của 165 và đặt kế hoạch điều tra địa hình, địch tình. Trung đoàn 88 sẽ để lại một đại đội tăng cường hỏa lực, có một cán bộ tiểu đoàn chỉ huy để đánh kiếm chế cứ điểm 311A.

b) Dùng trung đoàn 36 phụ trách đánh viện trên hai tuyến: tuyến chính giữa cứ điểm 105 và cứ điểm 206, tuyến thứ hai giữa cứ điểm 206 và cứ điểm 208 từ phía tây cho đến sân bay đồng thời cho một đại đội tăng cường tiến hành công kích nhỏ cứ điểm 206. Tối hôm nay phải tích cực xây dựng trận địa đánh viện, lúc làm trận địa phải dùng lực lượng một trung đội tăng cường hỏa lực để đánh lui phản kích của địch, ngày hôm sau để lại từ một đến hai tiểu đội.

c) Bố trí trận địa hỏa lực ở phía tây nam Mường Thanh để kiềm chế hỏa lực của địch ở phía đó, kế hoạch kiềm chế hỏa lực phải cụ thể và tỉ mỉ.

d) Việc đánh viện ở phía đông sân bay do Đại đoàn 312 phụ trách, đại đoàn sẽ dùng các trận địa hỏa lực ở đồi E và D để kiềm chế hỏa lực của địch ở Mường Thanh và phối hợp bộ binh đánh viện.

3. Thời gian:

a) Tối 18 tháng 4 nhất định phải chuẩn bị cho xong.

b) Ngày 19 kiểm tra lại lần cuối cùng (cán bộ phải tự đi kiểm tra).

c) Ngày 20 thì tác chiến, nhất định không được để chậm (thời gian chỉ đại đoàn ủy và cán bộ trung đoàn biết).

Trận đánh cứ điểm 105 phải quan niệm là một trận đánh điểm, diệt viện, vị trí này rất quan trọng, lực lượng địch có thể tăng thêm, tung thâm địch có thể phức tạp hơn trước, hỏa lực chi viện của Mường Thanh đã có tổ chức sẵn. Trận này nhất định phải đánh cho thắng, nhất là sau mấy trận đồi A, 105 không giải quyết chiến đấu, đánh thắng trận này rất quan trọng đối với sự phát triển của chiến dịch, vì vậy đại đoàn phải nhận rõ trách nhiệm, điều tra địa hình, địch tình kỹ lưỡng, phải bắt tù binh để hỏi tung thâm, làm trận địa vững chắc và hợp yêu cầu chiến thuật (chú trọng trận địa đánh viện, cũng như trận địa đánh điểm). Tổ chức và động viên chiến đấu hết sức chu đáo, hoàn thành cho được nhiệm vụ của mình, dùng đài đồng chí Vũ báo cáo kế hoạch cụ thể lên Bộ, sau đó cho cán bộ lên báo cáo.

Ngày 16 tháng 4 năm 1954

VÕ NGUYÊN GIÁP