leftcenterrightdel
Bộ đội ta xung phong đánh chiếm lô cốt của địch ở cứ điểm C1. Ảnh: TTXVN   

Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa đã kinh qua theo năm, tháng với những thành quả chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta suốt 70 năm, nhưng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa thời đại sâu sắc, những giá trị lịch sử quý báu của sự kiện trọng đại này vẫn còn nguyên giá trị không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với toàn nhân loại.

Thứ nhất, tạo cơ sở căn bản ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương

Từ ngày 13-3-1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định huy động sức mạnh toàn dân tộc, thực hành “trận quyết chiến chiến lược” đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào loại kiên cố, hiện đại nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương khi đó nhằm kết thúc sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh đó, ngày 26-4-1954, Hội nghị Geneva được triệu tập để bàn về Triều Tiên và Đông Dương. Mở đầu bằng các cuộc thảo luận liên quan tới Triều Tiên. Và, trong khi, ngày 8 tháng 5, Hội nghị bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương, thì bất ngờ ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam giành toàn thắng. Sự kiện này, mở đầu quá trình đàm phán kéo dài, phức tạp liên quan tới Việt Nam và Đông Dương.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, dân tộc Việt Nam đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp; đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới; đưa Việt Nam bước vào đàm phán trên tư thế người chiến thắng, trong khi đó, thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đẩy Chính phủ Pháp vào “bi kịch” ở Geneva cả quân sự, chính trị, ngoại giao; làm cho Pháp phải từ bỏ lập trường chỉ giải quyết vấn đề quân sự. Thắng lợi này còn đẩy quân Pháp trên chiến trường Đông Dương vào tình thế vô cùng khó khăn. Đồng thời, cũng làm cho các nước lớn trong Hội nghị chuyển sang ủng hộ một giải pháp toàn bộ cho vấn đề Đông Dương, mặc dù ban đầu, cũng ủng hộ công thức Triều Tiên.

Ngày 21-7-1954, Chính phủ Pháp, sau 75 ngày đàm phán với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp, cùng các bên tham dự Hội nghị phải ký kết Hiệp định Geneva. Hiệp định này có giá trị vô cùng quan trọng bởi các vấn đề chính trị và pháp lý, do các nước đã ký các văn kiện công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, là cơ sở pháp lý cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đấu tranh trong các giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, mở ra thời kỳ mới để dân tộc ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại, những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao…; mở đầu một thời kỳ mới - cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; miền Nam là tiền tuyến lớn, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ to lớn đó, Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước xác định, hoàn thiện, thực hiện thành công đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ của cả nước cũng như đối với từng miền, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn thách thức hiểm nghèo, giành được thắng lợi to lớn, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, tiến lên giáng đòn quyết chiến chiến lược vào Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Suốt những năm ròng chống Mỹ xâm lược, để hoàn thành: Độc lập, tự do, thống nhất đất nước, Đảng ta xác định: “Điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam”; “Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình thế nào, miền Bắc cũng phải được củng cố” (1); “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt” (2).

Hậu phương miền Bắc đã thực sự trở thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn, vững chắc cho sự nghiệp chống Mỹ xâm lược của cả nước; nơi tiếp nhận mọi sự giúp đỡ của thế giới, cải tiến, cải biên, cung cấp tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, cách mạng Lào, Campuchia đánh Mỹ; luôn củng cố niềm tin chiến thắng vững chắc cho nhân dân ta và bạn bè quốc tế vào thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Đó là nhân tố nội lực có tính chất quyết định đưa đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ, đúng như Đảng ta khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc đã dốc vào cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước” (3).

leftcenterrightdel
Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát 

Thứ ba, khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội ta

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, sức mạnh chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng được huy động tổng lực, đến mức cao nhất. Qua 56 ngày đêm, chiến đấu anh dũng và gian khổ, ngày 7 tháng 5, quân và dân ta giành toàn thắng, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng với đường lối kháng chiến toàn diện, đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo. Từ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu đến hạ quyết tâm đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất về quân sự của địch, Đảng ta đã khơi dậy và nhân lên sức mạnh lòng quả cảm và nghị lực phi thường, ý chí quyết chiến quyết thắng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam; cả tiền tuyến và hậu phương; tranh thủ được sự ủng hộ tích cực của nhân dân Lào, Campuchia và nhân dân tiến bộ trên thế giới vào thời điểm sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc phát triển đến đỉnh cao để tạo nên một kỳ tích cho dân tộc trong thế kỷ XX.

Đường lối kháng chiến của Đảng ta vừa khoa học, vừa cách mạng, hàm chứa tinh hoa tri thức của dân tộc và nhân loại, lấy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm cơ sở và động lực; giải quyết đúng đắn, tinh tế mối quan hệ dân tộc - giai cấp - quốc tế, giữa mục tiêu trước mắt và định hướng phát triển lâu dài. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính được phát triển ở trình độ cao. Phương thức phát động và chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh của Đảng ta đầy mưu lược, quyết đoán, linh hoạt, đã động viên cao độ tinh thần, nghị lực, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta. Với vốn liếng khởi đầu chỉ có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng, càng đánh càng mạnh, từng bước làm thay đổi thế và lực. Quân ta từng bước giành thắng lợi qua những chiến dịch quân sự lớn như: Việt Bắc Thu Đông năm, Biên Giới, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc... Tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng ta huy động 5 đại đoàn chủ lực và 26 vạn dân công, bằng sức mạnh tổng hợp của các yếu tố con người - vũ khí - trang bị, tổ chức lực lượng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” liên tục tiến công, lần lượt đột phá, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến lên tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đưa sự nghiệp chống thực dân Pháp giành toàn thắng, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Thứ tư, chấm dứt ách thống trị gần một thế kỷ của thực dân Pháp, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới

Thảm bại trước dân tộc Việt Nam trong tiến hành chiến tranh xâm lược nói chung và tại chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng, đã buộc Chính phủ Pháp phải công nhận độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương; chấm dứt chính sách cai trị thực dân, tiến hành trao trả độc lập cho nhiều nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã thức tỉnh và là bước khởi đầu, cổ vũ khích lệ động viên mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới vùng lên; là tiếng chuông báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ đã tồn tại hàng trăm năm; là nhân tố góp phần tạo nên diện mạo mới đời sống chính trị thế giới trong thế kỷ XX. Việt Nam trở thành biểu tượng sáng ngời của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang lịch sử mới cho nhân loại.

Năm 1964 - kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của sự kiện: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.

Tròn 70 năm đã qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn đó, mãi là một mốc son lịch sử chói lọi, để lại những bài học lịch sử, kinh nghiệm quý báu, tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi tới và giành được những thành tựu mới; sánh vai với các cường quốc năm châu trên con đường hội nhập và phát triển. Đó là bài học về cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực, cánh sinh; là phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, đè bẹp cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của kẻ xâm lược; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và sáng tạo; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực như: Thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế… Thành tựu này, góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa thời đại và giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ; là nguồn sức mạnh tiếp sức cho dân tộc ta giành những thắng lợi mới, lớn lao hơn trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

1 . Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những tháng lợi mới, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr.50.

1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội,2002, tr.577.

2 . Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1989, tr.331.

3 . Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự Thật, Hà Nội,1977, tr.28-29.

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr.261.

2. Lời đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1964

-------------------------------------------------------

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.