leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Trần Vát (bên phải) kể về những ký ức hào hùng khi được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Nhớ lại những ngày tháng sục sôi ấy, CCB Trần Vát cho biết: “Tiểu đoàn có 12 khẩu pháo cao xạ 37mm và 12 khẩu 12,7mm. Sau nhiều ngày kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, Tiểu đoàn 383 đã sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ trận địa pháo mặt đất 105mm, cũng là lần đầu tiên chúng tôi xuất trận để yểm trợ cho bộ binh ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, các trận địa pháo 105mm đồng loạt bắn vào trận địa của địch. Trên trời, các loại máy bay của địch liên tục quần thảo, ném bom. Các nòng pháo cao xạ vươn cao được ngụy trang bởi cành lá đồng loạt nhả những chùm đạn đỏ lừ bay vút lên. Bị bắn bất ngờ, tốp máy bay địch vội bốc lên cao để tháo chạy. Sau đó, chúng tôi lại nhận lệnh: “Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”. Chấp hành mệnh lệnh, một số đồng chí làm nhiệm vụ trực chiến, cảnh giới, một số được vào hầm nghỉ nhưng ai cũng ngóng chờ tin kết quả trận đầu. Nửa đêm, điện thoại reo, mọi người đều nhổm dậy, lắng nghe thông báo của cấp trên: "Biểu dương pháo cao xạ đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ pháo binh và bộ binh. Quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam”. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ".

Sáng hôm sau (14-3-1954), trời còn mù sương, ông Vát và đồng đội đã sẵn sàng thì trên trời có tiếng vè vè của máy bay “bà già”. Nhận lệnh, các khẩu đội đồng loạt nổ súng. Bắn được hai loạt thì thấy từ đuôi máy bay địch kéo theo một vệt khói dài do bị trúng đạn. “Tất cả anh em ở trận địa đều chồm lên, vung tay hô lớn: “Cháy rồi! Rơi rồi!”. Ban ngày chiến đấu, ban đêm bộ đội ta phải kéo pháo sang chỗ khác để cất giấu. Công binh làm hai trận địa (một thật, một giả), khi hiệp đồng bắn thì trận địa giả đốt lửa cho khói bay lên, làm địch tưởng khói súng nên tập trung hỏa lực bắn vào trận địa giả của ta”, CCB Trần Vát nhớ lại.

Theo CCB Trần Vát, sáng 15-3-1954, một tốp máy bay của địch bay vào trận địa. Các khẩu đội đã bình tĩnh tiếp tục bắn rơi một chiếc nữa. Nó lao thẳng xuống bìa rừng cạnh trận địa. Hai chiếc còn lại trút bom bừa bãi, chạy thoát thân. Cấp trên lại điện xuống biểu dương cao xạ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch. 

Ngày 7-5-1954, chiến sĩ Trần Vát đang trực thông tin thì nhận được điện báo quân ta đã bắt sống tướng De Castries, quân Pháp đã hoàn toàn thất bại. Toàn mặt trận náo nức vui mừng. 

Năm 1958, đồng chí Trần Vát được phong quân hàm Thiếu úy, giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Thông tin chỉ huy. Năm 1960, ông được cử đi học kế toán, rồi chuyển ngành về công tác tại Xưởng điện Cẩm Phả (Quảng Ninh), sau đó về Công ty Cung ứng than Hải Phòng. Nghỉ hưu, ông tích cực tham gia công tác xã hội, được bầu làm Bí thư chi bộ khu phố, Phó chủ tịch Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ TP Hải Phòng. 

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.