Thấy chúng tôi cũng là Bộ đội Cụ Hồ, hai bác chuyện trò rất cởi mở. Mở đầu câu chuyện, chúng tôi hỏi: “Hai bác làm bạn với nhau vào thời điểm nào của Chiến dịch Điện Biên Phủ?" Bác Pho cười và kể: "Quê tôi ở Thái Bình, còn quê bà ấy ở tận huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả hai chúng tôi đều ở tuổi 18. Suốt thời gian của chiến dịch, hai người đều có mặt phục vụ chiến đấu, nhưng chưa gặp nhau. Mãi đến năm 1958, khi trở lại Điện Biên lần thứ 2, cùng về công tác ở Đội điều trị 2 tại Sơn La, chúng tôi mới quen nhau, yêu nhau và đến năm 1959 thành vợ, thành chồng".

Năm 1952, anh thanh niên 17 tuổi Nguyễn Đình Pho nhập ngũ vào Đoàn 77 thuộc Bộ Quốc phòng. Ngày đó, Đoàn 77 có nhiệm vụ quản giữ tù binh Pháp. Có lần, một tù binh xì xồ một tràng dài. Đại đội trưởng không biết tiếng Pháp nên chẳng hiểu địch nói gì. Đứng bên cạnh, chiến sĩ mới Nguyễn Đình Pho nói với Đại đội trưởng: “Thằng Tây nó xin đi ngoài đấy, anh ạ!”. Đại đội trưởng ngạc nhiên hỏi Pho: “Sao cậu biết?”. Pho trả lời: “Hồi ở nhà em đã được học tiếng Pháp”. Thế là ngay sau đó, Nguyễn Đình Pho được điều về Cục Binh vận học thêm và tháng 8-1953 thì được điều đi làm phiên dịch ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Suốt thời gian chiến dịch, cứ ở đâu có tù binh Pháp thì anh có mặt. Có thời gian suốt 3 tháng ròng rã, tù binh Pháp quá nhiều, anh em phiên dịch phải làm việc liên tục ngày đêm. Được tiếp xúc với những cán bộ như Pho, những tù binh vốn bị bắt ép đi lính, hiểu rõ về chính nghĩa, chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam tỏ ý vui mừng khi bị bắt. Họ đã thoát khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa do quân Pháp gây ra. Có tù binh, khi nhận được quà của gia đình từ bên Pháp gửi sang, đã đem thuốc lá, cà phê biếu đơn vị. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, biết Pho trước đây từng làm y tá, cấp trên đã chuyển anh về Đội điều trị 2. Ở đây, anh gặp cô cứu thương trẻ Bùi Thị Xuân đã từng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, cô y tá Xuân đã trở thành bạn đời của anh.

leftcenterrightdel

 Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương. Ảnh tư liệu: TTXVN

Năm 1958, Nguyễn Đình Pho được cử đi học Trung cấp quân y, trường do bác sĩ Lê Thế Trung làm Hiệu trưởng. Năm 1961, sau khi ra trường, anh về làm giáo viên ở Trường Y tá tại Thuận Châu. Năm 1966, anh chuyển ngành, với quân hàm chuẩn úy và được cử đi học ở Trường Đại học Y Thái Bình. Tốt nghiệp, bác sĩ Nguyễn Đình Pho về công tác ở bệnh viện huyện nhà, năm 1975 tham gia tiếp quản Sài Gòn, rồi về làm Trưởng phòng Y tế huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Năm 1984, bác sĩ Nguyễn Đình Pho nghỉ hưu ở quê, xã Quỳnh Hồng (Thái Bình).

Còn bác gái Bùi Thị Xuân, hoàn cảnh trở thành chiến sĩ Điện Biên cũng tương tự như của chồng. Năm 1951, cô gái trẻ Bùi Thị Xuân, quê Hạ Hòa, Phú Thọ xung phong đi dân công tải đạn, phục vụ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Gần 2 năm sau, qua một lớp cứu thương cấp tốc, tháng 3-1953, cô cứu thương trẻ cùng đơn vị đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bùi Thị Xuân cùng với đồng đội phục vụ thương binh từ mặt trận chuyển về. Suốt ngày, anh chị em bận rộn với việc lau rửa, băng bó vết thương, bảo đảm cơm nước, thuốc men, giặt giũ cho thương binh. Có thời gian hàng tháng trời, mỗi ngày hàng chục lần chị em bế, cõng thương binh đi, vượt quả đồi cao, hàng trăm mét tới suối để tắm rửa cho anh em. Hằng ngày, chị em gánh nặng tới 50-60kg gồm cơm nước, đồ dùng lên xuống quả đồi để phục vụ việc ăn uống cho thương binh.

Sau chiến dịch, Bùi Thị Xuân cùng anh chị em cứu thương tham gia cuộc hành quân bằng cáng đưa thương binh nặng, từ mặt trận về tận Yên Bái chữa trị. Tiếp theo, chị được phục vụ đoàn bộ đội tiếp quản Thủ đô, rồi cùng Đội điều trị 9 về công tác tại trại tù binh Pháp ở Tuyên Quang; đi phục vụ cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ở Quảng Ninh, Thanh Hóa rồi về công tác tại Đội điều trị 2 ở Sơn La. Năm 1958, chị đi học lớp y tá ở Thuận Châu. Ở đây, chị đã quen Nguyễn Đình Pho và năm 1959 xây dựng gia đình với anh. Năm 1960 chị Xuân chuyển ngành về công tác ở Khoa dưỡng nhi, Bệnh viện C Hà Nội. Năm 1968, chị chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Là những chiến sĩ có mặt ở Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng góp một phần công sức cho thắng lợi, hai bác Nguyễn Đình Pho và Bùi Thị Xuân được Cục Quân y tặng bằng khen. Những năm tháng sau này, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ở bất cứ nơi nào, hai vợ chồng bác Pho - Xuân đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

HUYỀN TRẦN (Lược trích theo cuốn sách “Âm vang Điện Biên”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.