Hồi Xuân, một huyện miền núi Thanh Hóa, là điểm tập kết kho hậu cần quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ngày, từng tốp máy bay "bà già" nhòm ngó, vạch từng ngọn cây. Lần này, 3 máy bay ném bom napan vào cạnh một tổng kho hậu cần trung chuyển của ta. Đây là một kho lớn chứa hàng nghìn tấn gạo với biết bao mồ hôi nước mắt của người dân Khu 4 dành cho Điện Biên.

Tận dụng đường sông, vận chuyển hàng bằng bè mảng đi chiến dịch. Ảnh tư liệu  

Vào giờ này, hàng nghìn dân công đã sơ tán vào các khe suối xa. Ở tổng kho chỉ còn mấy người trực bảo vệ. Lửa bốc cháy rừng rực. Ngọn lửa bừng bừng lao theo chiều gió, đe dọa thiêu hủy cả kho gạo thành than. Ngày mai hàng vạn chiến sĩ sẽ ăn bằng gì? Nghĩ đến đó, ông Đặng Chí Thiện, Trung đội trưởng dân công Nga Liên, Nga Sơn, Thanh Hóa, lo và tiếc đến chảy nước mắt! Phải làm gì bây giờ đây? Ông vừa chạy vừa hô:

- Các đồng chí ơi, cứu kho!

- Các đồng chí ơi, cứu gạo!

Ông đạp lên gai, đá chạy thục mạng quên cả bàn chân mình đang bị toạc máu, chạy hết suối này đến khe khác, vừa chạy vừa hô đến vỡ họng.

- Cứu kho!

- Cứu gạo!

Tiếng hô đập vào vách núi lộng vang. Tiếng hô đã kéo về được gần 100 dân công, cùng với lực lượng bảo vệ lao vào chữa cháy. Lửa bừng bừng như điên. Nước ở đồi không có, trong tay mọi người không có một dụng cụ gì chữa cháy, làm thế nào trong tình thế nguy cấp này?

Ông Thiện đã có sáng kiến cho lực lượng dân công, dùng dao chặt một lối cây ném xuống để tạo ra một khoảng trống, ngăn ngọn lửa hung hãn cháy đến đó không cháy tiếp nữa. Kho gạo được cách lửa, được an toàn.

3 giờ sau, ngọn lửa yếu dần rồi tắt hẳn. Mọi người mệt nhoài, ngồi thở hổn hển. Thật thương tiếc, 4 người vì cứu gạo bị bỏng nặng và đã hy sinh! Mọi người cúi đầu tiếc thương những đồng đội dũng cảm không còn nữa. Lúc này mọi người quần áo, đầu tóc, mặt mũi đều đen ngòm như than.

Lửa vừa tắt, 3 chiếc xe con của Hội đồng Cung cấp Mặt trận tức tốc đến. Nhìn thi hài 4 dân công bị cháy, nhìn các chiến sĩ cứu kho đen sạm, nhìn kho gạo vẫn được bảo vệ nguyên vẹn, các cán bộ lãnh đạo vừa thán phục vừa thương xót.

Không quản ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra mặt trận. Ảnh tư liệu/TTXVN

Gian khổ, vất vả, cái chết luôn rình rập đe dọa từng ngày, từng giờ. Dân công hết hạn ai cũng mong chờ ngày về. Là một đảng viên, một cán bộ trực tiếp chỉ huy dân công, ông Thiện ra sức vận động, thuyết phục được cả trung đội tình nguyện viết đơn ở lại đến hết chiến dịch. Phong trào 100% dân công Nga Liên làm đơn tình nguyện ở lại phục vụ chiến đấu đã lan rộng trong các đội dân công toàn huyện, toàn tỉnh, toàn tuyến.

Một cuộc thi đua với Nga Liên được phát động sôi nổi. Ông Đặng Chí Thiện được điều đi vận động các đơn vị phong trào còn yếu. Thế rồi tất cả dân công đợt đầu năm đều làm đơn tình nguyện ở lại hết. Họ ở cho đến khi xong chiến dịch (tròn 7 tháng) với khí thế "Người người lớp lớp hướng về Điện Biên! Vì Điện Biên! Tất cả cho Điện Biên!".

 

HUYỀN TRẦN (Lược trích theo cuốn sách “Âm vang Điện Biên”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.