Cựu chiến binh Đỗ Văn Tố (sinh năm 1931, nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Pháo cao xạ 367-nay là Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên đi bộ sang nước bạn học về chuyên ngành pháo cao xạ. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, đơn vị ông phụ trách bảo vệ đèo Pha Đin-khu vực trọng tâm đánh phá của không quân Pháp nhằm ngăn chặn quân ta từ hậu phương tiến vào Điện Biên.
 |
Cựu chiến binh Đỗ Văn Tố. |
Nhớ về thời điểm lịch sử ấy, cựu chiến binh Đỗ Văn Tố kể: Trong chiến đấu, Tiểu đoàn 2 pháo cao xạ 37mm được phối thuộc đơn vị súng máy 12,7mm. Để bảo vệ các mục tiêu, nhất là đường giao thông, các đơn vị phải cơ động đưa súng, pháo phòng không lên những mỏm núi cao, bám sát mục tiêu cần bảo vệ; đồng thời đặt các trận địa chốt trên những hướng máy bay địch thường bay qua và cơ động phục kích hai bên sườn đèo. Nguyên tắc của trận địa pháo phòng không là khi đã nổ súng bắn máy bay địch thì phải nhanh chóng cơ động sang trận địa khác, đề phòng địch cho không quân, pháo binh đánh phá. Mặt khác, quá trình chiến đấu phải tiến hành nghi binh bằng cách đặt khoảng một lạng thuốc nổ cho nổ đống đất, củi, than xếp sẵn, làm cho khói bốc lên mù mịt, nhằm phân tán hỏa lực của địch.
Để khống chế và thu hẹp không phận tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế, tăng viện đường không của địch, ngay từ đầu chiến dịch, các đơn vị phòng không đã triển khai ở nhiều hướng và bắt đầu thế bao vây vùng trời Điện Biên Phủ. Để khoét sâu thêm chỗ yếu của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo đưa các đơn vị phòng không cơ động xuống cánh đồng Mường Thanh, tiến gần các cứ điểm của địch, không cho thả dù tiếp tế, buộc máy bay địch phải bay ở trần cao, bay đêm, thả dù không chính xác; tạo điều kiện cho bộ đội ta đoạt dù của địch.
Tiếp mạch chuyện về chiến trường Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Đỗ Văn Tố vẫn nhớ như in, có lần Tiểu đoàn 2 bắn bị thương 1 chiếc máy bay của quân Pháp và bắt được 1 viên phi công. Do chưa có điều kiện nên đơn vị dựng tạm một cái chòi nhỏ để nhốt tên phi công Pháp. Ban ngày, quân ta tạm thời thả cho tên phi công đi lại quanh khu vực nhất định dưới sự giám sát của chiến sĩ. Đến giờ ăn, bộ đội ta mang khẩu phần đến, tên phi công thấy có muối với rau rừng thì không chịu ăn, còn thắc mắc: Sao các ông lại đối xử tệ với tôi như thế?. Khi được xem suất ăn của bộ đội ta cũng giống hệt như vậy, tên phi công mới chịu ăn và bày tỏ sự cảm phục bộ đội Việt Nam.
Bài và ảnh: SƠN BÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, có rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế tìm hiểu về thắng lợi của Việt Nam và thất bại của Pháp trong đó có những nhìn nhận, đánh giá của chính đối phương..