Linh hoạt triển khai kế hoạch bảo đảm kỹ thuật

 Để chuẩn bị cho Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, từ tháng 10-1953, các kho của Tổng cục Cung cấp khẩn trương thực hiện “Kế hoạch CK” bảo đảm dự trữ riêng cho chiến dịch. Ở Sơn La, ta dựa vào hang đá ở Bản Lầu làm tổng kho vũ khí, đạn dược. Ở hỏa tuyến, các kho đạn đều dựa vào địa hình có lợi, đào hầm sâu vào sườn núi, kê gỗ, lót ván để hàng. Kho Pú Hồng của Đại đoàn 312 có sáng kiến làm hầm âm, có nắp dày từ 1,5 đến 2m. Các kho đạn được xây dựng chắc chắn, ngụy trang kín đáo, bảo đảm an toàn.

Sau khi thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, Bộ Tổng tư lệnh nhanh chóng bổ sung kế hoạch trang bị mới mang tên “Kế hoạch FPT”. Thực hiện kế hoạch này, lực lượng bảo đảm kỹ thuật chiến dịch tổ chức chuyển thêm một cơ số các loại đạn cối 81mm, 82mm, 120mm; đạn pháo 75mm, 105mm và cao xạ 37mm tập trung về một kho để sẵn sàng cấp phát được ngay. Tổng cục Cung cấp quy định các kho thuộc Tổng cục bảo đảm cho các đại đoàn; các đại đoàn bảo đảm cho các đơn vị trực thuộc. Nhờ đó, công tác cấp phát đạn pháo trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch tuy rất phức tạp, khẩn trương nhưng không bị chồng chéo. Quân khí ở hậu phương đã tập trung lực lượng đôn đốc các kho nhanh chóng kiểm tra, phân loại, bảo dưỡng toàn bộ số đạn pháo hiện có để đưa vào dự trữ, sẵn sàng cấp phát. Do kiểm tra cụ thể đến từng quả đạn nên ngoài việc bảo đảm tốt chất lượng, ta còn phát hiện một số đạn pháo của địch đã bị chúng vặn ngòi để bẫy, nếu bắn đạn sẽ nổ ngay trong nòng, phá hủy pháo và gây thương vong cho pháo thủ.

leftcenterrightdel

Quân ta đưa đạn dược vào những căn hầm bí mật bên vách núi, được ngụy trang kín đáo. Ảnh tư liệu

Trong quá trình chuẩn bị, do yêu cầu cấp thiết về vũ khí, đạn dược, lực lượng bảo đảm kỹ thuật còn linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức tiếp nhận số hàng viện trợ. Bình thường, khi nhập viện trợ, các loại vũ khí, đạn dược đều được kiểm tra, đăng ký rồi mới nhập kho. Nay nhiều loại ta giao ngay cho đơn vị hoặc giao cho lực lượng vận tải chuyển thẳng lên vị trí tập kết. Từ tháng 1 đến tháng 6-1954, lực lượng bảo đảm đạn tổ chức tiếp nhận 1.100 quả đạn lựu pháo 105mm; 4.000 quả đạn sơn pháo 75mm; gần 30.000 quả đạn pháo cao xạ 37mm. Trong những ngày cuối của Chiến dịch Điện Biên Phủ, một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và một tiểu đoàn hỏa tiễn H6 (Cachiusa) do nước bạn viện trợ được gửi thẳng ra mặt trận, kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng vào chiều 6-5-1954.

Huy động phương tiện và bảo đảm kỹ thuật cho vận tải cơ giới

 Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác động viên phương tiện và bảo đảm kỹ thuật tốt cho lực lượng vận tải cơ giới thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức bảo đảm VKTBKT. Từ khi chiến dịch chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số vật chất hậu cần-kỹ thuật cho chiến dịch lên tới hàng nghìn tấn. Đây là lượng vật chất lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà ngành kỹ thuật phải bảo đảm cho một chiến dịch; đồng thời phải vận chuyển trong điều kiện chiến trường ở xa hậu phương lên đến 600km, ở địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địch tập trung đánh phá ác liệt trên các tuyến trọng điểm.

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, các lực lượng đã động viên số lượng rất lớn phương tiện vận tải cơ giới ở vùng tạm bị địch chiếm Liên khu 3, ở vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Trong đó, số phương tiện được huy động sử dụng trực tiếp cho chiến dịch gồm: 628 ô tô, 135 tàu thuyền các loại và 2.500 xe đạp. Lần đầu tiên, chiến dịch sử dụng lượng lớn phương tiện cơ giới là ô tô làm nhiệm vụ vận chuyển chủ yếu. Với phương châm “cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới” nên việc bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt cho phương tiện vận tải cơ giới được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và tổ chức chu đáo. Cục Vận tải (Tổng cục Cung cấp) phát động phong trào thi đua sửa chữa xe ô tô hư hỏng nhanh chóng đưa vào phục vụ chiến dịch.

Bên cạnh phong trào tự sửa chữa, nâng cấp xe ở các đơn vị, ngành xe Quân đội linh hoạt, sáng tạo tổ chức hệ thống bảo đảm kỹ thuật phục vụ các phương tiện cơ giới vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến. Trên đường ra mặt trận có Xưởng sửa chữa AZ11 ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái); đội sửa chữa ở Tuần Giáo (Điện Biên Phủ) bảo đảm ưu tiên sửa chữa cho các xe hoạt động ở trung tuyến và hỏa tuyến. Hai đội sửa chữa cơ động được bố trí trên Đường số 41 và Đường số 1, mỗi đội có từ 7 đến 8 thợ giỏi, sẵn sàng sửa chữa những xe bị hư hỏng dọc đường.

Với số lượng xe-máy động viên ngày càng nhiều cho chiến dịch, các xưởng sửa chữa của Cục Vận tải cũng nhanh chóng được bổ sung nhiều máy móc khá hiện đại và đội ngũ thợ lành nghề. Cả 3 xưởng áp dụng chuyên môn hóa cho các bộ phận nên khả năng sửa chữa lớn hằng tháng được 25 xe; riêng Xưởng Tiền Phong còn sản xuất được một số phụ tùng thay thế cung cấp cho các đơn vị xe và các xưởng khác. Trong 8 tháng phục vụ chiến dịch, lực lượng kỹ thuật đã sửa chữa, khắc phục 60/80 xe bị địch bắn phá và tai nạn, kịp thời bổ sung phương tiện cho các đơn vị. Ngoài ra, để bảo đảm kỹ thuật tốt nhất cho phương tiện, hơn 800 lái xe, 300 thợ sửa chữa của ngành xe-máy và ngành giao thông công chính được động viên bổ sung kịp thời cho chiến dịch.

DUY HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.