Theo họ tính, những người vận chuyển phải vượt qua khoảng cách 500km từ hậu phương đến Điện Biên Phủ, sẽ ăn hết 4/5 các gánh thực phẩm dọc đường. Thiếu lương thực, đạn dược sẽ không cho phép ta huy động được quân số đông hơn quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong khi với phương tiện chiến tranh hiện đại, quân Pháp hoàn toàn có thể phá hủy đường tiếp tế, tiêu diệt các đoàn dân công của ta.

Mọi tính toán của người Pháp đều chặt chẽ, logic và họ thất bại không phải vì tính toán sai, mà vì người Việt Nam đã làm được những điều không tưởng! Chiến tranh nhân dân là vậy, bất quy tắc, bất đối xứng và phi thường.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Đỉnh cao chói lọi của Điện Biên Phủ được dựng nên trên nền tảng những kỳ tích trong cả chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong cách mạng dân chủ và trong xây dựng kinh tế bằng sức mạnh toàn dân, trong đó có đóng góp vô cùng quan trọng của nông nghiệp, nông dân Việt Nam.

leftcenterrightdel

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh NGUYỄN KIỂM (chụp tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 25-3-2024)

Chúng ta sẽ không có đủ nguồn lực để mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nếu không giải phóng được nông dân, phát triển được kinh tế nông nghiệp trong hoàn cảnh vô cùng cam go, cô lập với bên ngoài. Có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ đã bắt rễ từ kỳ tích chiến thắng nạn đói 1945 - 1946, từ phương châm “tự lực cánh sinh” và đường lối “tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc”; từ chính sách “triệt để giảm tô, chia lại công điền hợp lý và công bằng” ngay đầu kháng chiến; từ quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ kêu gọi: “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ”... Nông dân được giác ngộ, thắng được giặc đói, giặc dốt, được giảm tô, được trao quyền làm chủ, trở thành lực lượng nòng cốt cả ở hậu phương và tiền tuyến.

Cùng với đó, từ một nền kinh tế đã bị tê liệt trước năm 1945, nông nghiệp có những bước phát triển thần kỳ. Mặc dù địch đánh phá ác liệt hệ thống thủy lợi, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, nhưng sản lượng lương thực, thực phẩm và hàng hóa ngày càng dồi dào. Đầu kháng chiến (1946-1947) sản lượng lúa cả năm từ Bắc Trung Bộ trở ra đạt 2.443.400 tấn lúa. Gần cuối kháng chiến chống thực dân Pháp (1953) đạt 2.757.700 tấn. Một trong ba Anh hùng Lao động đầu tiên của nước ta được phong tặng năm 1952 là bác nông dân Hoàng Hanh (cùng với Trần Đại Nghĩa và Ngô Gia Khảm).

Bằng cách đó chúng ta đã xây dựng được hậu phương vững chắc, tạo được những nguồn lực to lớn cả về người và của cho kháng chiến. Bị chia cắt giữa các vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, bị cô lập với nước ngoài, công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, “nuôi quân đánh thắng” là nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà chúng ta đã làm được. Trừ một số nhu yếu phẩm, các địa phương cơ bản tự cân đối được lương thực, thực phẩm. Dựa vào sức dân ta đã thiết lập được hệ thống để huy động thu mua, vận chuyển, cung cấp lương thực giữa các vùng tự do và tạm chiếm. Đây là kinh nghiệm quý giá, là nền móng đảm bảo hậu cầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Bộ Tổng Tham mưu làm việc với Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) tính toán bước đầu, phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo (chưa kể cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500km mà phần lớn là dốc, đèo hiểm trở, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên, đã cần tới 14.500 người”. 

Trong thực tế, nhu cầu của chiến dịch còn cao hơn rất nhiều. Nếu huy động quá nhiều nông dân đi dân công hỏa tuyến sẽ ảnh hưởng đến tăng gia sản xuất và nguồn cung lương thực, thực phẩm, làm kiệt sức cuộc kháng chiến trường kỳ. Đó là mâu thuẫn mà người Pháp cho rằng chúng ta không thể khắc phục được. Nhưng chúng ta làm được. Trước hết là nhờ các chính sách đúng đắn, sát thực tế. Từ năm 1951, Chính phủ đã chỉ đạo: “Phải nắm vững tư tưởng trường kỳ, không được làm kiệt sức dân; Không huy động làm ảnh hưởng đến tăng gia sản xuất nông nghiệp, phải công bằng; sử dụng dân công phải hợp lý, tránh tình trạng sử dụng vô lý, bừa bãi, làm phung phí sức dân, tốn công quỹ...”.  

Khi tập trung mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều khó khăn mới nảy sinh, chúng ta đã kịp thời điều chỉnh chính sách huy động, tổ chức và sử dụng dân công. Nhờ đó, từ năm 1950 đến 1953, chúng ta đã huy động được tổng số 3,6 triệu dân công từ Khu V trở ra với 48,5 triệu ngày công (trong đó có hơn 20 triệu ngày công làm cầu đường). Từ tháng 2-1953 cho đến tháng 6-1954, để phục vụ Chiến dịch Trung Lào và Điện Biên Phủ chúng ta đã huy động 255.899 dân công; 824 ngựa thồ; 19.341 chiếc xe đạp; 911 chiếc xe trâu; 520 chiếc xe ngựa; 1.125 chiếc thuyền (3.535 tấn); 551 xe cút kít... Số lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong chiếm hơn 30% số quân tham gia trên toàn chiến dịch.  

Nhưng kỳ tích trên không chỉ ở số lượng, mà còn ở lòng quả cảm, sức sáng tạo của dân công hỏa tuyến. Họ không hề nao núng, không sợ máy bay, bom đạn địch, ngày đêm bám lộ trình, bám mục tiêu kế hoạch vận chuyển, quyết không để thiếu, để chậm lương thực, đạn được cho bộ đội dưới bom đạn phá hoại ác liệt của quân địch. Dù bị ném bom phá cầu, chặn đầu, khóa đuôi, các đoàn dân công tìm đủ cách cắt rừng, vượt sông để hoàn thành tốt nhiệm vụ.  

Nhờ không ngừng sáng tạo mà mỗi dân công đã đạt năng suất, hiệu quả lao động rất cao. Vận tải thô sơ là nét độc đáo, là vũ khí thần thánh của quân dân ta. Chiếc xe đạp cũ được bổ sung thêm tre, gỗ, sắt trở thành “xe tải hai bánh”, “ngựa thồ” kỳ diệu đi trên mọi địa hình đèo dốc của chiến trường, vừa tiết kiệm sức người, vừa vận chuyển nhanh và linh hoạt, mỗi chuyến một người chở được 200-352kg, thay vì gánh gồng. Nông dân Ma Văn Thắng ở tỉnh Phú Thọ đã gia cố chiếc xe đạp thồ vốn chỉ chở được 100-200kg thành phương tiện phá kỷ lục vận chuyển 352kg/chuyến. Ông Trịnh Đình Bầm thuộc Đoàn dân công Thanh Hóa đã cải tiến xe cút kít, nâng tải trọng từ 100 lên 280kg/chuyến. Nhân dân Tây Bắc cải tiến xe quệt trâu bò kéo, dùng mọi phương tiện thô sơ thuyền, bè, mảng, ngựa thồ để đi chiến dịch...

Nông dân ta đã góp phần làm thay đổi mọi tính toán thế và lực giữa hai bên không chỉ ở các phương tiện vận tải, mà còn ở công sức làm nên những con đường vận tải chiến lược. Đó là những con đường huyết mạch như: Đường 42 Tuần Giáo - Điện Biên; đường Hữu nghị 12 Điện Biên - thị xã Lai Châu; đường 41 Hà Nội - thị xã Lai Châu; đường thị xã Lai Châu - Chăn Nưa...  

Người dân miền núi thi đua kháng chiến với cả nước bằng những sản vật tại chỗ. Họ khai thác lâm sản, cung cấp nguyên vật liệu cho phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng nền kinh tế kháng chiến, đặc biệt là khai thác gỗ, tre, nứa làm cầu đường. Năm 1950, để phục vụ Chiến dịch Biên giới chúng ta đã khai thác được 8.530 mét khối gỗ, sửa chữa được 1.046km đường ô tô, 40km đường sắt, 170km đường xe thô sơ, hàng trăm cây cầu với tổng chiều dài 25km làm bằng gỗ ở Việt Bắc. Tương tự, trong các Chiến dịch Hòa Bình - Sông Đà, Tây Bắc năm 1952, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, người dân miền núi đã không tiếc công sức cung cấp lâm sản cho xây dựng hạ tầng giao thông, củng cố căn cứ địa, phát triển các ngành kinh tế than, khai khoáng, chế tạo cơ khí, hóa chất, quan trọng nhất là công nghiệp quốc phòng.

Phát huy sức mạnh nhân dân, đến đầu tháng 3-1954, trên 95% nhu cầu vật chất theo kế hoạch tác chiến đã được đưa đến khu vực tập kết chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là điều kiện cần để ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở đầu 56 ngày đêm đi vào lịch sử. Sau ngày đại thắng, theo tổng kết của Chính phủ, ta đã vận chuyển phục vụ chiến dịch này trên 20.000 tấn lương thực, thực phẩm...

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chia sẻ: Trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có phần đóng góp của ngành nông nghiệp và nông dân. Những "chiến sĩ áo nâu" này làm dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men ra mặt trận.  

Với phương tiện hiện đại ngày nay, có thể các con số đó không gây ấn tượng mạnh nhưng nó đã trở thành phi thường, không tưởng bởi cách chúng ta làm được, biến một pháo đài “không thể công phá”, "bất khả xâm phạm" trở thành chiến bại, đưa dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới. Đó là điểm tựa, để ngày nay dân tộc ta thêm một lần vinh quang, bước ra thế giới bằng chính những tấn gạo và hàng hóa nông sản Việt Nam.

Tiến sĩ BẠCH QUỐC KHANG, nguyên Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban Cán sự đảng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ biên Cuốn sách “70 năm Nông nghiệp Việt Nam”

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.