Xuất thân từ một gia đình quan lại gốc Hà Nội, năm 1936, người thanh niên Đào Văn Trường tham gia cách mạng vô tư như một trách nhiệm của người công dân khi Tổ quốc lâm nguy. Thế hệ của ông với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng từ bỏ phú quý sang giàu, dấn thân vào cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Với ông, ký ức về Điện Biên Phủ chính là sự kiện hào hùng nhất. Ngày đó, ông đã trực tiếp chỉ huy pháo binh 105 ly và pháo binh 75 ly ở tiền tuyến bằng vốn kiến thức tự học.

leftcenterrightdel

Đồng chí Đào Văn Trường - Quyền Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351. Ảnh tư liệu

Nhằm chuẩn bị cho trận đánh lớn, “bảo bối” giúp ông chỉ huy cả trận địa là tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 và một số ảnh chụp cứ điểm Điện Biên Phủ từ trên cao mà tổ trinh sát của Trung đoàn 148 lấy được tại trung tâm Mường Thanh. Chính nhờ tấm bản đồ này pháo binh Điện Biên đã triển khai nhuần nhuyễn trận địa pháo “đẩy ra kéo vào” từ các đường hầm trong sườn núi, giúp độ biến ảo của thế trận tăng lên mà thương vong lại giảm đáng kể.

Đồng chí Đào Văn Trường kể: “Những ngày đầu, khi đưa pháo lên Điện Biên Phủ, pháo binh chúng tôi chỉ có trong tay tấm bản đồ 1:100.000, thiếu rất nhiều chi tiết, việc chọn địa hình đặt pháo vô cùng vất vả. Chúng tôi đành phải quan sát địa hình bằng ống nhòm, ước tính độ dốc, bổ sung những ngọn núi, con suối không có tên trong bản đồ”. Cách làm mang tính thủ công ấy khiến cho tầm nhìn của pháo binh bị hạn chế nhiều.

Đúng lúc chiến dịch sắp mở màn, quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn pháo binh nhận được tấm bản đồ Điện Biên Phủ của thực dân Pháp vẽ. Cùng với những tấm ảnh chụp trên máy bay 49 cứ điểm của địch, chiến trường Điện Biên Phủ trở nên rõ ràng như lòng bàn tay. Theo đó, một tổ trinh sát thuộc Đại đội 42, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 148 đột nhập vào khu trung tâm Mường Thanh điều tra tình hình địch. Tại đây tổ trinh sát phát hiện một số đồ tiếp tế địch thả dù xuống. Khi lấy được chiến lợi phẩm và rút về đơn vị, đến sông Nậm Rốm thì bị địch phát hiện, đội trinh sát chống trả quyết liệt, hy sinh một người. Sau khi trở về, tổ trinh sát mở hộp ra thì thấy tập bản đồ tỷ lệ 1/25.000 và nhiều tấm ảnh cỡ 24 x 30 ghép lại là 49 cứ điểm đóng quân của địch ở Điện Biên Phủ.

Tấm bản đồ lập tức được chuyển về Sở chỉ huy tiền phương xác định, sau đó chuyển về xưởng sản xuất bản đồ Bộ Tổng Tham mưu vẽ và in gấp phát cho các đơn vị. Chính nhờ “bảo bối” này mà pháo binh của ta đã triển khai trận địa dễ dàng theo phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng căn dặn.

Có bản đồ trong tay, ông và các cộng sự đã vẽ được các vị trí của địch và chọn địa điểm đặt pháo của ta, hiệu chỉnh đường bắn pháo. Tấm bản đồ khiến cho những quả đạn pháo 105mm như có mắt, bắn rất chính xác vào các cứ điểm của Pháp.

Hỏa lực của Đại đoàn Công pháo 351 đã trút những quả đạn xuống lô cốt của Pháp, gây ra sức nóng trên 1.000 độ C. Độ tản mát của hỏa tiễn và pháo 105mm rất lớn trong khi khoảng cách giữa ta và địch lại gần nhưng bộ đội vẫn không bị ảnh hưởng nhờ "đôi mắt" là tấm bản đồ đã gắn cho các nòng pháo.

Tấm bản đồ đã theo ông đi khắp các trận địa pháo trong những ngày ác liệt nhất. Đó là "con mắt" để những người lính pháo binh hiệu chỉnh nòng pháo và chọn vị trí đặt pháo. Pháo binh và cao xạ di chuyển theo bước tiến của bộ binh, tạo thành gọng kìm bóp chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau này, từ một gợi ý của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tấm bản đồ đã được ông Đào Văn Trường trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Sau này, khi viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, Bernard B.Fall - nhà báo, nhà sử học, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục” - nhắc đến tấm bản đồ 1/25.000: “Nhờ có tấm bản đồ này, Việt Minh có điều kiện hiệu chỉnh đường bắn của pháo binh với độ chính xác cao nhất”.

Đồng chí Đào Văn Trường mất năm 2017.

ĐOÀN TRUNG (Lược trích)

Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.