Ông cũng từng đảm nhận các trọng trách có thể kể đến như: Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1950 - 1958); Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa (1958-1963); Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1960); Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng (1963 - 1965); Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965-1973). Trong đó có cả những năm tháng đảm nhiệm cương vị cao nhất của một tờ báo hai lần anh hùng, hai lần chiến sĩ.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Liêm bên gia đình. Ảnh tư liệu

Ngày 20-10-1950, Báo Quân đội nhân dân ra đời. Tờ báo được Bác Hồ đặt tên và quan tâm huấn thị ngay từ những ngày đầu, đã trưởng thành nhanh chóng cùng sự lớn mạnh của Quân đội ta. Và Tổng biên tập Lê Liêm là người đã đặt nền móng vững chắc đầu tiên cho Báo Quân đội nhân dân. Trong giai đoạn Chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc đó ông là Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận, với tư cách của một người phụ trách công tác chính trị, đồng chí Lê Liêm đã trực tiếp chỉ đạo Báo Quân đội nhân dân ra những số báo đặc biệt tại mặt trận. Trong suốt 56 ngày đêm đã ra được 33 số báo lịch sử. Đây cũng là điều đặc biệt nhất bởi trên thế giới không có tờ báo nào xuất bản báo tại mặt trận.

Là một nhà lãnh đạo chính trị trong Quân đội, đồng chí Lê Liêm hoạt động báo chí tích cực, chủ động với vai trò vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp viết bài. Những nhà báo lão thành đã từng được làm việc cùng ông đều dành cho ông những tình cảm và sự tôn trọng cao nhất: “Anh viết rất giỏi, rất hay, rất nhanh, rất gọn. Bởi vì anh có chất giọng của một người làm văn hóa, từng viết Báo Quân Du kích, tiền thân của Báo Quân đội nhân dân.

Tuy là cấp trên, nhưng anh có tính dân chủ cao, thường đưa những bài anh viết cho chúng tôi xem, đọc và góp ý. Anh gần gũi với cơ sở, với bộ đội nên anh không chỉ viết nhiều mà còn viết những vấn đề rất cụ thể, rất thiết thực với đời sống”; “Những bài đồng chí Lê Liêm viết ra, gần như các sĩ quan cao cấp nhất, mọi chính ủy sư đoàn, trung đoàn đều phải đọc rất kỹ. Đó là những bài mang tính chỉ đạo, gắn với những ý đồ chiến lược. Trong trường hợp này, tờ báo giữ vai trò như một chính ủy. Đôi khi, trong những bài đó còn cài một vài ý nào đó để đánh lừa quân địch. Vì chúng cũng sẽ đọc rất kỹ những bài ký tên Lê Liêm”...

Đại tá, PGS, TS Trịnh Hồng Anh, nguyên Chính trị viên Viện Tên lửa (Viện Khoa học Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng), con trai thứ 6 của cố Tổng biên tập Lê Liêm chia sẻ về người cha đáng kính: “Tôi nghĩ rằng, khi là Tổng biên tập, điều đã khiến ông trở thành một tác giả viết nhiều bài xuất sắc ở Mặt trận Điện Biên Phủ đó chính là sự say mê công tác chính trị. Trong đó, báo chí là công cụ hữu hiệu, bởi thế ông đã trực tiếp viết bài để vừa hoàn thành nhiệm vụ làm công tác chính trị vừa là một nhà báo cách mạng”.

Với sự hy sinh và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phong cách sống giản dị và tư duy làm việc nghiêm túc, luôn có sự tìm tòi, đổi mới của Tổng biên tập Lê Liêm sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ làm báo Quân đội nhân dân học tập và noi theo.

ĐOÀN TRUNG (lược trích)

Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.