Anh hùng, Liệt sĩ Lê Văn Dỵ sinh năm 1926, quê ở huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhỏ ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngày 13-3-1948, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đời quân ngũ, ông tham gia rất nhiều chiến dịch và lập được nhiều chiến công.
Tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Văn Dỵ là Đại đội trưởng Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (nay là Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) - là người đã được Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba và Chính ủy Chu Huy Mân trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 811 lên đồi C1 độc lập phòng ngự và tấn công tiêu diệt đồi C1 ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong mọi trận đánh, đồng chí Dỵ luôn tỏ ra là một cán bộ chỉ huy gan dạ, dũng cảm, luôn có tinh thần tiến công, sáng tạo và quyết đoán. Hầu hết trong các trận đánh có tính chất quan trọng, đồng chí Dỵ luôn được cấp trên tin tưởng và giao nhiệm vụ chỉ huy mũi chủ công và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
 |
Anh hùng, Liệt sĩ Lê Văn Dỵ. Ảnh tư liệu |
Tháng 9-1949, trong trận đánh giáp lá cà tại Bằng Khẩu, Bắc Kạn, đồng chí Dỵ là Trung đội trưởng được phân công chỉ huy Trung đội 1 là mũi tấn công chính vào giữa đội hình địch gồm 40 xe cam nhông với hàng nghìn tên lính. Trong trận này ta đã tiêu diệt tại chỗ 110 tên, phá hủy 15 xe, buộc quân địch phải tháo chạy.
Năm 1951, trong trận đánh đồn Giông Khế, đồn Lán Tháp tại Quảng Ninh, đồng chí Dỵ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận đánh. Cuối cùng ta đã tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn quân địch tại 2 đồn.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh Đồi C1, đồng chí Lê Văn Dỵ được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 độc lập phòng ngự, đương đầu chiến đấu với gần 2 đại đội địch. Cuộc chiến đấu giằng co ác liệt, đồng chí Dỵ có sáng kiến cho anh em thay nhau đào một đường hầm từ trận địa của ta xuyên thẳng tới lô cốt cột cờ của địch trên đồi C1 dài hơn 20m. Nhờ có đường hầm mà Tiểu đội Dao nhọn đã nhanh chóng tấn công tiêu diệt 2 ổ đề kháng của địch và cắm được lá cờ chiến thắng của quân ta lên đúng vị trí cột cờ của địch.
Đồng chí Lê Văn Dỵ rất táo bạo, quyết đoán trong việc chỉ cho một bộ phận lực lượng dự bị lui xuống cách trận địa 200m, còn đại bộ phận vẫn ở lại trận địa chờ cho pháo của ta bắn vào trận địa của địch. Dứt tiếng pháo, đồng chí đã hạ lệnh và dẫn đầu đại đội nhanh chóng xung phong làm cho quân địch rất bất ngờ, lúng túng không kịp đối phó. Sau 20 ngày đêm liên tục chiến đấu giằng co ác liệt với địch, Đại đội 811 đã tiêu diệt 114 tên, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí và làm chủ hoàn toàn cứ điểm C1.
Sau khi đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm C1, đồng chí Dỵ vẫn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 811 tiếp tục trụ vững tại C1 để làm bàn đạp tiến công các cao điểm còn lại là C2, A1. Đêm ngày 6-5-1954, đồng chí Dỵ được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 811 làm mũi chủ công tiến đánh địch tại đồi C2, đã tiêu diệt được gần 2 đại đội địch và chiến đấu giành được hoàn toàn C2 vào chiều ngày 7-5-1954.
 |
Hồi ký "Đâu có giặc là ta cứ đi" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2014 viết về chiến công của Anh hùng Lê Văn Dỵ. Ảnh: thuvienquandoi.vn
|
Theo lời kể của đồng chí Tô Thông, đồng đội cũ của ông, nguyên cán bộ tác chiến Tiểu đoàn 888, Đại đoàn 316: "Ngày 30-4-1954, Đại đội 811 của đồng chí Dỵ đã mở cuộc tấn công quyết định lên trận địa địch. Ngay sau loạt đạn bắn áp chế của 2 khẩu sơn pháo ta đặt trên đồi D1 vừa ngừng, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ liền hô vang: “Các đồng chí tiến lên!” và chỉ sau 5 phút đã đánh chiếm được lô cốt Cột Cờ - vị trí quan trọng nhất của quân Pháp trên đồi C1. Và chỉ 40 phút sau, quân ta làm chủ hoàn toàn C1. Ngay sau khi nhận được tin chiến thắng đặc biệt quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức khen ngợi và đã ký lệnh tặng thưởng tại trận cho Đại đội 811 “Huân chương Quân công hạng Ba”.
Cũng theo đồng chí Tô Thông, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sáng kiến xây dựng trận địa liên hoàn với nhiều ngách râu tôm, hào trục và làm dây thép gai xung quanh trận địa đồi C1 của đồng chí Lê Văn Dỵ, sáng kiến ấy đã giữ được biết bao xương máu của chiến sĩ ta, giúp cho việc tiến công và bảo tồn lực lượng trong suốt 20 ngày đêm phòng ngự của Đại đội 811 trên đồi C1, cùng với đơn vị bạn tiến tới tổng công kích tiêu diệt địch giành thắng lợi tại các cao điểm phía Đông, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
 |
Câu nói nổi tiếng "Đâu có giặc là ta cứ đi” của Anh hùng Lê Văn Dỵ chính là cảm hứng giúp nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc "Hành quân xa". Ảnh tư liệu
|
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi còn sống từng kể lại: “Trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, tôi và nhiều văn nghệ sĩ khác cùng hành quân với bộ đội tham gia chiến dịch. Vì phải giữ bí mật nên mỗi chặng đường đi đều phải giữ kín, vì vậy nhiều người thắc mắc không biết chặng đường tiếp theo sẽ đi đâu? Khi đó, một đồng chí bộ đội trong đoàn quân đã động viên mọi người: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!”. Câu nói rất đơn giản, nhưng không ngờ lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện ý chí cách mạng kiên cường của bộ đội ta.
Ngay đêm đó, tôi đã ngồi viết bài hát “Hành quân xa” mà cảm hứng sáng tác chính là từ câu nói của anh bộ đội đó. Và thế là, ngay hôm sau, lời bài hát “Hành quân xa” đã được cả đoàn quân cùng hát vang “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”. Mãi sau này, qua nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới biết: Người đã nói câu nói khơi nguồn cảm hứng cho sáng tác ca khúc “Hành quân xa” của ông chính là Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ.
Thực tế đã cho thấy, cuộc đời của người Đại đội trưởng đó đã diễn ra đúng như câu nói của ông “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình đã lập lại trên miền Bắc Việt Nam, đồng chí Lê Văn Dỵ lại tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trong suốt 10 năm liên tục từ năm 1960 cho đến khi anh dũng hy sinh ngày 13-3-1970 tại mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.
ĐỨC THUẬN (lược trích)
1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
2, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (svhttdl.dienbien.gov.vn)
3, Chuyện về người anh hùng Điện Biên Phủ - Liệt sĩ Lê Văn Dỵ (dangcongsan.vn)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.