Anh hùng Lâm Viết Hữu sinh năm 1926, gia đình hiện trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí với cương vị là chỉ huy đại đội, thuộc Đại đoàn 316, dù chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, nhưng đồng chí đã bền gan, vững chí, quán triệt và thực hiện sáng tạo các kế hoạch, phương án tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch, đồng chí đã chỉ huy đại đội tham gia trận Mường Pồn, ngày 12-12-1953, đồng chí chỉ huy đại đội truy kích và chặn đường rút chạy của địch từ Lai Châu về Điện Biên Phủ... Đây được coi như trận mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó là những trận chiến đấu ác liệt ở Tà Lèng, Đồi Xanh, Đồi Cháy... Đặc biệt, đồng chí là người chiến đấu trong trận tấn công điểm cao cuối cùng trên Đồi A1 và bắt sống toàn bộ Sở Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm này.

Khi đó, đồng chí Lâm Viết Hữu là Đại đội trưởng Đại đội 671, Tiểu đoàn 251 (nay là Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316). Sau khi khối bộc phá gần 1.000kg phát nổ, đồng chí đã chỉ huy đại đội tấn công vào "ụ thằng người" (lô cốt Cây đa cụt), chia cắt địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 249 chủ công đánh chiếm khu vực đỉnh đồi.

leftcenterrightdel
Ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu TTXVN 

Quá trình chiến đấu, địch tập trung hỏa lực đối phó rất mạnh khiến đơn vị thương vong, bản thân đồng chí bị thương vào trán, máu tràn xuống mặt... Đồng chí đã tổ chức lại hỏa lực, chỉ huy bộ đội xung phong tiêu diệt 38 tên địch, phá hủy 3 súng trung liên, 1 súng đại liên. Cụm đề kháng "Cây đa cụt" bị đơn vị tiêu diệt hoàn toàn... Đến gần sáng, đơn vị tiếp tục phá hủy 4 ụ súng, diệt 20 tên, bắt sống 45 tên, góp phần cùng các đơn vị bạn tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1 vào rạng sáng 7-5-1954. Kết thúc chiến dịch, đồng chí Lâm Viết Hữu được bầu là Chiến sĩ thi đua của Đại đội 671. Năm 2009, đồng chí Lâm Viết Hữu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.

Trong quá trình vận động các đồng đội viết hồi ký, Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, tham gia chiến đấu trên đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những khám phá bất ngờ, thú vị về đồng đội của mình. Chẳng hạn như, Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chỉ huy hơn 100 quân trên đồi A1, chiến đấu cực giỏi, đầy ắp chiến công nhưng… chưa đọc thông viết thạo. Mỗi lần nhận lệnh từ cấp trên, đồng chí Lâm Viết Hữu đều nhập tâm, sau đó về lấy sa bàn ra, chỉ huy chiến đấu... "Bí mật" này phải 50 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các đồng đội của ông mới biết.

Sau khi đồng chí Lâm Viết Hữu mất năm 2011, được sự động viên của cán bộ sưu tầm, người con trai cả của đồng chí đã đồng ý hiến tặng Huy hiệu Anh hùng và Bằng Anh hùng LLVT nhân dân của đồng chí cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vào tháng 3-2014.

ĐỨC AN (lược trích)

1. Điện Biên Phủ Bài ca bất diệt/Huy Linh, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016

2. sknc.qdnd.vn.

3. Daibieunhandan.vn

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.