QĐND - Sáng 26-4, tại Hà Nội, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 316 (Quân khu 2) (khu vực Hà Nội) tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Cùng dự buổi gặp mặt có Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Nguyễn Song Phi, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam.      

Hơn 8 giờ sáng, tại hội trường Nhà khách Bộ Tổng tham mưu, các CCB từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa của Đại đoàn 316, trên ngực lấp lánh huân chương đã tề tựu đông đủ. Cách đây 60 năm, khi tham gia chiến dịch, họ là những thanh niên căng tràn sức sống, nay tất cả đã ở tuổi xưa nay hiếm. Lâu ngày gặp lại, những người đồng đội ôm lấy nhau tràn đầy xúc cảm. Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho biết: “Hằng năm, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 316 đều tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác ở đơn vị qua các thời kỳ. Năm nay, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt "Chiến sĩ Điện Biên". Đây là dịp để mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm về những trận chiến đấu ác liệt nhưng rất vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, động viên, giúp đỡ nhau cùng khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống và công tác. Không chỉ mang ý nghĩa tri ân các chiến sĩ Điện Biên, cuộc gặp mặt này còn mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống của lớp cha anh”.

Cuộc gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên Phủ của Đại đoàn 316 diễn ra trong không khí ấm áp, thắm tình đồng chí, đồng đội. Sau màn múa hát chào mừng của các nghệ sĩ đến từ Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, các CCB đã cùng nhau ôn lại truyền thống oanh liệt của đơn vị. Tất cả như những thước phim lần lượt hiện về.

Các CCB Đại đoàn 316 chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt.

Đại đoàn 316 thành lập ngày 1-5-1951. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn 316 đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như Hòa Bình, Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Thượng Lào,... lập nhiều chiến công vang dội. Trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, Đại đoàn 316 chiến đấu giải phóng thị xã Lai Châu; các Trung đoàn: 174, 176, 98 và một số đơn vị trực thuộc Đại đoàn 316 theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng đã tiến về, áp sát phía Đông Điện Biên Phủ, cùng các đơn vị bạn hình thành thế trận bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công các cứ điểm A1, C1 và C2, cánh cửa thép phía Đông Điện Biên Phủ. Dù chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn Đại đoàn đã bền gan, vững chí, đoàn kết một lòng, quán triệt và thực hiện sáng tạo các kế hoạch, phương án tác chiến, từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc, tiến chắc” của Bộ chỉ huy Chiến dịch. Những trận chiến đấu ác liệt ở Tà Lèng, Đồi Xanh, Đồi Cháy, đặc biệt là tiến công tiêu diệt cứ điểm A1, C1 và C2, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã mở tung cánh cửa phía Đông, tạo thế cho quân ta đánh chiếm trung tâm Mường Thanh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Sở chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những tấm gương anh hùng trong chiến đấu đã trở thành biểu tượng tiêu biểu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 nói riêng, toàn quân nói chung học tập, noi theo. 

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đức Song, nguyên Tiểu đội phó xạ thủ trung liên của Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, nay đã ngoài 80 tuổi vẫn nhớ như in trận chiến đấu phòng ngự tại Đồi Xanh. Hôm đó, địch tổ chức 1 đại đội, có xe tăng yểm trợ, tiến công vào Đồi Xanh trên hướng phòng ngự do tiểu đội đồng chí Song đảm nhiệm. Tiểu đội phó Song có sở trường bắn súng trung liên, nên được chỉ huy trung đội giao nhiệm vụ cùng 2 chiến sĩ mới là Danh và Chương đánh ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng địch và cảnh giới khi địch dùng pháo cối để anh em trú ẩn an toàn. Mặc dù chênh lệch về lực lượng, vũ khí nhưng với lòng kiên cường, dũng cảm, không sợ hiểm nguy, đơn vị đã đánh lui 2 đợt tấn công của địch. Đến khoảng 13 giờ, sau khi củng cố lực lượng, địch tiếp tục mở đợt tiến công tiếp theo. Trong khi dùng súng khống chế, chia cắt lực lượng địch đang tiến công lên điểm cao, thì địch bất ngờ ném 1 quả lựu đạn rơi phía sau khiến chiến sĩ Chương hy sinh tại chỗ. Ngay sau đó, địch lại ném tiếp một quả lựu đạn rơi cách đồng chí Song khoảng nửa mét. Trong lúc lựu đạn đang quay tròn, phụt khói, rất nhanh, đồng chí Song dùng tay hất quả lựu đạn lăn trở lại chỗ địch trú ẩn khiến chúng bị hứng đòn “gậy ông đập lưng ông”. Nhân đà, anh Song ném thêm 2 quả lựu đạn nữa khiến địch phía dưới phải chùn bước. Thấy một tên sĩ quan chỉ huy đội mũ lưỡi trai đỏ, cách đó khoảng 50m, đồng chí Song tiếp tục dùng súng bắn khiến hắn gục tại chỗ. Chỉ huy bị chết, quân lính như rắn mất đầu, chúng lùi ra xa và rút quân. Biệt danh "Dũng sĩ Đồi Xanh" gắn liền với tên tuổi của Đặng Đức Song từ đó được toàn mặt trận biết đến. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Đức Song đã được cấp trên tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại. Và ngay sau chiến dịch, ông vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 

Đã 60 năm, nhưng ông Trần Quý, nguyên Tiểu đội trưởng bộc phá, Đại đội 671, Trung đoàn 174, vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm giây phút đánh địch ở đồi A1 trước ngày chiến thắng. Ông bồi hồi kể: Rạng sáng 6-5-1954, Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu giao nhiệm vụ cho toàn đơn vị. Tiểu đội chúng tôi đêm đó có nhiệm vụ đánh ụ đề kháng số 13, 14 và 17 của địch trên đồi A1 có  khoảng 1 trung đội lính Âu Phi. Ụ số 17 là ụ to nhất, anh em ở Chiến dịch Điện Biên Phủ gọi đó là ụ "thằng người". Khoảng 20 giờ 30 phút tối 6-5, cả tiểu đội nằm ém cách ụ "thằng người" khoảng 40m, thì quả bộc phá ngàn cân phát nổ. Ngay sau đó, bộc phá ống của ta đều đặn nổ. Sau khi cửa mở đã thông, tôi ôm quả bộc phá khối 15kg của chiến sĩ Nguyễn Sĩ Chỉ cùng tiểu đội lợi dụng góc tử giác cơ động lên và phá cửa hầm. Vừa đến gần cửa, bất ngờ một tên địch trong hầm bắn 1 loạt tiểu liên, tôi bị mảnh đạn xuyên từ lỗ mũi gãy 2 răng, vỡ xương gò má phải. Mặc dù bị thương, nhưng tôi vẫn kịp điểm hỏa và ném quả bộc phá vào trong hầm địch rồi quay ra được mấy mét thì bộc phá nổ, hất tung người lên trên không. Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm trong Trạm xá Trung đoàn...

Đối với nhiệm vụ của những người chiến sĩ quân y lúc bấy giờ không chỉ có sự kiên cường, dũng cảm, tận tụy với thương binh, bệnh binh mà còn có lòng độ lượng đối với những tù binh bị thương. Chỉ sau hai ngày khi Điện Biên Phủ được giải phóng, Trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn tiếp nhận hơn 100 lính Pháp bị thương. CCB Trần Nhâm, nguyên Y tá trưởng Quân y Sư đoàn 316, phụ trách Trạm phẫu tiền phương, kể: Khi đó, quần áo, mặt mày tù binh địch bê bết bùn đất, các vết thương máu khô, đã có giòi... Chúng tôi phải tắm rửa, thay quần áo cho họ... rồi mới có thể phẫu thuật được. Khó khăn nhất là những trường hợp gãy xương đùi, mà đùi lính Âu Phi vừa to vừa nặng, mỗi khi cố định xương, hay chuẩn bị phẫu thuật, chúng tôi phải nhờ những anh chị em thanh niên có sức khỏe kéo chân họ... Nhờ có sự cứu chữa kịp thời và tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ Sư đoàn 316 nên chỉ sau 1 tuần, sức khỏe các tù binh bị thương đã ổn định và họ vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân đạo của bộ đội ta.

Tại cuộc gặp mặt, cùng với việc thăm hỏi, động viên nhau tiếp tục cố gắng sống khỏe, sống có ích, các CCB Điện Biên năm xưa khi tâm sự đều mong muốn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đại diện lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 hôm nay, Thượng tá Đỗ Văn Tụng, Chính ủy Sư đoàn, sau khi báo cáo tình hình và những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong những năm qua, đã xúc động bày tỏ: “Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 hôm nay rất vinh dự và tự hào về truyền thống của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu để xây đắp nên truyền thống của Sư đoàn. Cán bộ, chiến sĩ toàn Sư đoàn nguyện tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu đó, quyết tâm nỗ lực hơn nữa lập nhiều thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và thế hệ cha anh.

Cùng theo Thượng tá Đỗ Văn Tụng, những ngày này, tại Sư đoàn 316, nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng muốn thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào về thế hệ cha ông đi trước - thế hệ Điện Biên Phủ.

Bài và ảnh: DUY HỒNG-TUẤN LINH