Gió đổi chiều”

Ngày 12-9-2017, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong khối NATO đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Động thái này gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong khối, đặc biệt là từ Mỹ với lý do “không tương thích với hệ thống phòng không NATO”.

Tiêm kích Su-30MKM và F-18E của Không quân Hoàng gia Malaysia bay theo đội hình. Ảnh: The  Aviationist. 

Cũng trong tháng 9-2017, một đồng minh chiến lược khác của Mỹ là Saudi Arabia chính thức lựa chọn S-400 làm hệ thống phòng không hiện đại nhất nước này sau chuyến thăm của vua Salman tới Moscow. Trước đó, vào năm 2014, nước này công bố đã mua một số lượng không xác định tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3 của Trung Quốc từ năm 1988 và tiếp nhận tên lửa đạn đạo DF-21 vào năm 2007. Mỹ và châu Âu, bạn hàng truyền thống của Saudi Arabia không sản xuất vũ khí tương tự.

 Tại Đông Nam Á, từ đầu thập niên 2000, máy bay tiêm kích Nga như MiG-29, Su-27, Su-30 đã xuất hiện trong biên chế không quân Malaysia và Indonesia, song song với các máy bay Mỹ như F/A-18, F-16. Ngày 15-2-1018, Indonesia bắt đầu quá trình tiếp nhận 11 máy bay Su-35 tiên tiến nhất của Nga cùng vũ khí, trang bị đi kèm, tổng giá trị hợp đồng là 1,1 tỷ USD. Trong đó, 50% được thanh toán bằng nông sản của Indonesia. Thái Lan cũng đã ký kết các hợp đồng mua xe tăng, xe thiết giáp, pháo phản lực và cả tàu ngầm diesel-điện do Trung Quốc sản xuất.

Những mức giá “chóng mặt”

Ngày 14-6-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ bán 36 máy bay tiêm kích F-15 cho Quatar, tổng giá trị hợp đồng 12 tỷ USD bao gồm vũ khí, thiết bị đi kèm. Trung bình mỗi máy bay trong hợp đồng có giá gần 300 triệu USD, gấp 4 lần giá một chiếc Su-35 trang bị trong Không quân vũ trụ Nga.

10,5 tỷ USD là mức giá cho 2 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cải tiến trong hợp đồng giữa Mỹ và Ba Lan. Bộ Quốc phòng Ba Lan cho rằng mức giá trên là “không thể chấp nhận được” và đang trong quá trình đàm phán với Mỹ để giảm giá thành. Nước này chỉ có thể chi 7,6 tỷ USD cho toàn bộ chương trình mua sắm, trong khi mong muốn sở hữu đến 8 tổ hợp tên lửa. Trong trường hợp thất bại, Ba Lan chỉ còn lựa chọn mua các tổ hợp Patriot đã qua sử dụng trong biên chế quân đội Đức, có tính năng kém hơn.

Những mức giá “trên trời” không chỉ ở các hợp đồng vũ khí mang tính chiến lược. Cách châu Âu nửa vòng Trái Đất, Chính phủ Australia vừa ký với hãng Rheinmetall (Đức) hợp đồng vũ khí trị giá 15,7 tỷ USD, số tiền cao nhất trong lịch sử mua sắm quốc phòng của xứ sở Kangaroo. Hợp đồng bao gồm 5 tỷ USD để lắp ráp 211 xe thiết giáp chở quân Boxer, số còn lại để duy trì hoạt động cho các xe, nhà máy lắp ráp và trung tâm bảo dưỡng tại Australia. Trung bình mỗi xe Boxer có giá khoảng 23,6 triệu USD chưa tính chi phí vận hành, bảo dưỡng, gấp 14 lần giá một xe ZBD-08 của Trung Quốc xuất khẩu cho Thái Lan, dù đảm nhiệm vai trò tương tự.

Năm 2014, Chính phủ Iraq ký hợp đồng với Mỹ mua 175 xe tăng M1A1 cùng thiết bị phụ trợ như xe cứu hộ và xe vận tải, tổng giá trị hợp đồng 2,4 tỷ USD, trung bình mỗi xe tăng có giá 11 triệu USD.

Một ví dụ khác là pháo tự hành M109A7 do hãng BAE Systems (Anh) phát triển, có giá 9,6 triệu USD một hệ thống, bao gồm pháo và một xe chở đạn đi kèm. M109A7 có pháo chính sử dụng khóa nòng ren cắt cổ điển, nạp đạn thủ công nên có tốc độ bắn chậm, tối đa 4 phát/phút. Trong khi đó, các pháo tự hành mới của Nga và Đức sử dụng khóa nòng trượt, nạp đạn bằng máy tự động, giảm số thành viên tổ lái nhưng có tốc độ bắn nhanh hơn M109A7 và giá thành rẻ hơn đến 2 lần.

Nhiều trang thiết bị quân sự do phương Tây sản xuất có giá thành cao nhưng lại có tính năng chỉ tương đương, thậm chí thua kém sản phẩm cùng loại do các đối thủ cạnh tranh chế tạo. Được quảng cáo là xe tăng “bất khả xâm phạm” kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nhiều xe tăng M1A1 bị tiêu diệt trong các cuộc chiến gần đây tại Iraq và Yemen bằng vũ khí chống tăng chế tạo từ những năm 1960-1970.

Có luận điểm cho rằng, xe tăng M1 xuất khẩu không có đầy đủ các biện pháp bảo vệ như trong biên chế quân đội Mỹ. Nhưng với giá thành cao, động cơ tốn nhiên liệu, M1 Abrams có chi phí quá đắt đỏ so với xe tăng Nga và Trung Quốc.

Tại Saudi Arabia, một trong những lý do nước này chọn mua S-400 vì hệ thống này có tính năng tốt hơn phiên bản Patriot đang có trong biên chế. Tên lửa phòng không Patriot đã tỏ ra kém hiệu quả khi chỉ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo thế hệ cũ nhưng lại “bất lực” trước tên lửa tiên tiến hơn như OTR-21 “Tochka” do Liên Xô (Nga) chế tạo trong tay lực lượng nổi dậy Houthi.

Trước nhu cầu hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nhiều nước có ngân sách quốc phòng có hạn hiện nay, việc chuyển dần tỷ trọng trang bị sang hệ Nga, Trung Quốc không chỉ được lợi nhờ vũ khí rẻ nhưng tính năng không hề thua kém, mà còn được hỗ trợ rất nhiều dưới dạng chuyển giao công nghệ, gia tăng tính tự chủ về trang thiết bị, đồng thời nâng cao trình độ khoa học-kỹ thuật của nhân lực trong nước.

SƠN ĐĂNG